Sự đánh đổi thiếu hiểu biết
Chị Nguyễn Thị Mai Anh (Hà Nội) vốn có bộ răng hơi vàng do khi nhỏ phải dùng nhiều thuốc kháng sinh, kèm theo hơi khập khiễng nên đôi khi khiến chị mất tự tin trong giao tiếp. Trước trào lưu bọc răng sức để có bộ răng trắng toát như các diễn viên điện ảnh… chị chấp nhận bỏ ra gần 200 triệu đồng để làm đẹp.
Chị chia sẻ, trước khi làm chị cũng tìm hiểu và được biết phải mài răng nguyên để lắp răng cũ. Nhưng đã làm rồi chị mới hay, quá trình này rất vất vả, đau đớn. Hơn nữa, khi đã làm xong, dù sở hữu hàm răng trắng bóng nhưng miệng chị lại thường xuyên bị hôi, đau chân răng phía trong…
BS CKII Đồng Văn Biểu, Viện răng hàm mặt TƯ cho hay, bọc răng sứ để có hàm răng trắng sáng bằng cách đánh đổi nguyên bộ răng đang bình thường như nhiều người đang làm theo hiện nay là một trào lưu chỉ dành cho những người không hiểu biết. Bản thân những người thực hiện các ca bọc này cũng không phải là các bác sĩ nha khoa chân chính.
Bởi bản thân họ biết sẽ có nhiều tai biến xảy ra với người làm mà người trong cuộc không nói ra do “há miệng mắc quai”. Nhất là hiện nay, các điểm thẩm mỹ đánh lừa bằng cách lời nói có cánh để bệnh nhân bỏ số tiền lớn ra thay răng.
“Răng đang bình thường hoặc chỉ bị ảnh hưởng nhẹ thì cần khắc phục bằng điều trị đúng kỹ thuật. Nhưng thay vì khắc phục, họ lại mài đi để lắp răng giả vào. Việc răng trắng chẳng để dọa ai, trong khi lại rước vào nhiều tai biến như miệng hôi hơn, chảy máu, chết tủy…”, vị chuyên gia nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, BS Cao Hoàng Yến, Viện Đào tạo răng hàm mặt, Đại học Y Hà Nội cho hay, nếu bọc răng sứ không đúng nguyên tắc, kỹ thuật có thể dẫn đến nhiều ảnh hưởng, mặc dù về thẩm mỹ có thể được cải thiện hơn.
Nhiều tai biến khi làm răng sứ
Theo đó, các chuyên gia chỉ ra nguy cơ khi đánh đổi bộ răng thật bằng răng sứ như nếu mài quá đà sẽ dẫn đến ảnh hưởng tủy răng. Nhiều ca sau khi bọc răng sứ đã đau buốt đến tận óc, ảnh hưởng đến xương hàm. Nguyên nhân là do mài răng quá đà dẫn đến sát tủy, vi khuẩn xâm nhập vào tủy gây viêm.
Việc bọc răng cũng sẽ ảnh hưởng đến khớp cắn, nên quá trình lắp không chỉ mài răng và cho răng sứ vào mà còn cần phải căn chỉnh hàm để có khớp cắn đúng, không bị lệch. Do đó, thời gian chỉnh sửa này cần thời gian lâu dài, không chỉ làm trong một vài ngày hay tháng.
Đặc biệt, do bọc lên trên nên sẽ có tình trạng hở giữa răng cũ và mới, răng và lợi… nên khả năng dính, tồn thức ăn trong các khe kẽ này rất cao. Đây là điểm vi khuẩn phát triển mạnh. Do đó, sau khi làm răng sứ khả năng hôi miệng, viêm răng cao.
Để điều trị răng, các chuyên gia khuyến cáo cần đến các cơ sở bệnh viện, phòng khám do bác sĩ chuyên khoa răng hàm mặt thực hiện. Cần cân nhắc các yếu tố nguy cơ với giá trị thẩm mỹ mang lại. Bởi, việc đánh đổi không chỉ diễn ra một thời gian ngắn và các tai biến sẽ kéo dài trong rất nhiều năm và đến suốt đời. Các trường hợp bị hô, móm, khập khiễng… cần căn chỉnh hàm răng thay vì mài đi bọc răng sứ.
Hà Trang