Không sàn giao dịch nào kiểm soát được con người

Tài sản công minh bạch, nhưng người thực thi quản lý tài sản công có minh bạch hay không mới quan trọng. Vì nếu không, chẳng có sàn nào kiểm soát được con người.
tài sản bất minh

PGS. TS Hoa Hữu Lân.

PGS.TS Hoa Hữu Lân, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu Phát triển Văn hóa Xã hội, Viện Nghiên cứu Kinh tế Xã hội Hà Nội, việc mua bán đất công sẽ được đưa lên sàn giao dịch điện tử tránh tình trạng cấu kết, lợi ích nhóm làm thất thoát tài sản Nhà nước là chủ trương rất đúng. Tài sản công minh bạch, nhưng người thực thi quản lý tài sản công có minh bạch hay không mới quan trọng. Vì nếu không, chẳng có sàn nào kiểm soát được con người.

Con người không minh bạch thì chịu!

Nhằm minh bạch hoá và lành mạnh hóa tình trạng mua bán, chuyển nhượng đất công giá rẻ như hiện nay, thời gian tới, việc mua bán đất công sẽ được đưa lên sàn giao dịch điện tử. Ông đánh giá thế nào về giải pháp này?

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã đánh giá rằng việc quản lý tài sản công, đất công hiện vẫn còn đang lãng phí và vẫn có lợi ích nhóm làm phép, thu lợi khổng lồ trên tài sản công, khiến Nhà nước mất đi một nguồn lực giá trị. Việc thất thoát lớn nhất đối với tài sản quốc gia là tài sản về đất đai. Đây có thể nói là một tệ nạn quốc gia. Vấn đề này không phải là hiện tượng phổ biến nhưng có một số nhóm thân hữu, có chức có quyền lợi dụng quan hệ thân hữu mà bất chấp. Cần phải có cách nào đó để ngăn chặn thất thoát. Minh bạch hóa là một trong số cách đó.

Khi ấy, sẽ không thất thoát đồng nào từ tiền bán, chuyển nhượng, cho thuê đất công?

Đúng là về mặt kỹ thuật thì như thế. Giống như chứng khoán, khi đã lên sàn thì nhà đầu tư nào cũng biết giá của nó ra sao, đặt lệnh mua thế nào cho có lợi nhất. Đưa đất đai lên sàn về bản chất là công khai, minh bạch giá đất, minh bạch tài sản công. Nhưng vấn đề lại nằm ở chỗ chính những người quản lý công sản có minh bạch không. Ý tôi là yếu tố con người vẫn quan trọng nhất.

Nghĩa là nếu người ta “muốn thất thoát” thì vẫn làm được, dù có lên sàn?

Tôi nói ví dụ đơn giản gần đây nhất là bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm đã được Thủ tướng phê duyệt rồi mà còn bị mất. Chuyện tưởng đùa, nhưng có thật. Do đó, tất cả các khâu, các quy trình đều minh bạch, nhưng con người không minh bạch thì chịu. Không có sàn nào kiểm soát được con người cả.

Nhưng tài sản liên quan đến tiền, đến con số, làm sao mà thay đổi được?

Nếu là quản lý ở khu vực tư nhân, nghĩa là tiền trong túi họ, họ phải làm sao sinh lợi nhuận và tính toán từng đồng, thì có thể tin rằng sẽ quản lý tốt. Nhưng đây là đất công, là “tiền chùa”. Nó bị chi phối bởi lợi ích nhóm, bởi các mối quan hệ ràng buộc, bởi rất nhiều thứ khác nhau khác. Khi đã tồn tại điều đó, khi người ta không muốn minh bạch thì có đưa lên “sàn giời” đi chăng nữa cũng chịu, không kiểm soát nổi.

Thỏa thuận để chia chác

Chuyện thất thoát tài sản khổng lồ của Nhà nước từ những dự án đất công được bán rẻ như bèo cho doanh nghiệp ở Đà Nẵng, TP HCM thời gian qua khiến dư luận rất bất bình. Phải chăng, do chúng ta có lỗ hổng về quản lý?

Thực ra các chính sách pháp luật về quản lý tài sản công của ta khá đầy đủ rồi. Vấn đề chỉ là người thực thi luật như thế nào mà thôi. Tất cả những vụ việc sai phạm bị phanh phui, về hình thức thì tưởng như không có gì sai, nhưng thực chất lại là sự bắt tay ngầm với nhau bên trong, thỏa thuận để chia chác. Ví dụ như việc cổ phần hóa là chủ trương rất đúng, nhưng vì sao vẫn tồn tại những vụ như AVG hay hãng phim truyện Việt Nam? Họ cũng công khai đất, minh bạch đấy, nhưng bên trong là thỏa thuận ngầm với nhau thì không ai biết được nếu không có thanh tra, giám sát.

Một vấn đề tôi cũng khá băn khoăn qua những vụ việc sai phạm là chủ trương đổi đất lấy hạ tầng. Có khi nhà nước thiệt hại hàng trăm tỉ đồng. Phải chăng chủ trương sai?

Kh đổi đất lấy hạ tầng, có nghĩa là doanh nghiệp xây dựng một công trình hạ tầng và Nhà nước phải đổi lại một diện tích đất nhất định cho doanh nghiệp. Lẽ ra, mảnh đất đó phải được mang ra đấu thầu. Tiền bán được sẽ dùng để trả lại cho doanh nghiệp. Còn cách thức đất lấy hạ tầng như hiện nay đang là một khiếm khuyết, một lỗ hổng rất lớn mà luật cần sửa đổi. Từ đó để thấy chủ trương thì tốt mà thực hiện thì chưa.

Ở đây ai là người được lợi?

Cả hai. Chủ trương này đúng trong điều kiện ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, phải kêu gọi doanh nghiệp đầu tư. Nhưng khi định giá đất, đáng lẽ giá thị trường là 10 thì họ thỏa thuận với nhau chỉ 5 thôi. Sau đó doanh nghiệp lại quả cho cán bộ 1-2. Thế là doanh nghiệp vẫn có lãi, cán bộ cũng có tiền đút túi, chỉ Nhà nước là thiệt thòi. Mà về hình thức thì nó vẫn là hợp pháp.

Ông có thể ví dụ cụ thể?

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đang làm rõ sai phạm của ông Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Tất Thành Cang trong vụ chuyển nhượng đất cho công ty Quốc Cường Gia Lai là một ví dụ. Doanh nghiệp thì cái gì có lợi là họ làm. Còn đại diện cho Nhà nước, quản lý tài sản nhà nước thì phải vì lợi ích quốc gia chứ không nên thỏa thuận với doanh nghiệp để lấy tiền đút túi. Ví dụ giá đất là 60 triệu đồng/m2 thì chỉ bán cho doanh nghiệp 30 triệu đồng/m2. Trong khi doanh nghiệp khai báo là phải mua với giá 45 triệu đồng/m2. Vậy là 15 triệu đồng/m2 tiền chênh lệch ấy các ông chia nhau. Vụ chuyển nhượng cổ phần AVG – Mobiphone cũng tương tự.

Giả sử có sàn giao dịch điện tử đất công từ trước, liệu có xảy ra những chuyện này?

Có thể sẽ hạn chế được phần nào đó, kiểm soát được mảng nào đó trong giao dịch chuyển nhượng đất công, nhưng chắc chắn không thể ngăn chặn hết.

Đấu thầu kiểu quân xanh quân đỏ

Theo đúng các quy định từ trước đến nay thì những giao dịch chuyển nhượng đất công hẳn phải công khai?

Đúng là thế. Việc bán, chuyển nhượng đối với nhà đất công, từ trước đến nay, đều quy định là phải thực hiện đấu giá công khai. Việc bán chỉ định chỉ diễn ra trong một số trường hợp nhất định hoặc trường hợp đặc biệt. Về cơ bản, những trường hợp đó khi muốn bán, phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định mới được làm.

Vậy thì có giải pháp nào để xử lý tận gốc tình trạng thất thoát tài sản Nhà nước?

Cốt lõi là đạo đức công vụ, là vấn đề con người. Gốc rễ của nó là thực thi pháp luật một cách nghiêm minh, không có vùng cấm. Từ người cao nhất, trên nghiêm thì dưới mới nghiêm. Chống tham nhũng cũng vậy. Thứ nữa là phải tăng cường vai trò giám sát phản biện của các tổ chức độc lập.

Còn người dân, vai trò của họ thế nào?

Người dân phải được kiểm tra hoạt động của cơ quan Nhà nước. Phải minh bạch một cách triệt để. Còn công khai, đưa lên mạng, đấu thầu… mà người ta vẫn dùng “quân xanh quân đỏ” thì cũng vô nghĩa. Ở đây phải là sự công khai thực chất, minh bạch thực chất chứ không phải là hình thức. Có như thế mới phá vỡ sự cấu kết lợi ích nhóm.

Trân trọng cảm ơn ông!

Trong Luật Tài sản công tới đây được thông qua kỳ họp lần thứ 5, Quốc hội khoá XIV này có quy định rất mới, đó là xây dựng một hệ thống giao dịch điện tử về tài sản công, để các giao dịch về tài sản công sẽ được thực hiện trên hệ thống đó mà con người không thể can thiệp vào. Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và xử lý vi phạm là công cụ rất hiệu quả. Trong Luật mới quy định rõ hơn theo hướng sẽ kiểm tra thường xuyên và ngay từ đầu để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm, đặc biệt là bổ sung thêm giám sát của cộng đồng đối với tài sản công.

Tô Hội (thực hiện)

Theo VietnamDaily
back to top