Làm nghề gì dễ trở thành CEO nhất?
Người phụ nữ giàu nhất thế giới tiêu tiền như thế nào?
Người giàu ngày càng giàu hơn, với một tốc độ nhanh chóng hơn – hãng tin Bloomberg dẫn một báo cáo do công ty tư vấn Boston Consulting Group (BCG) công bố ngày thứ Năm cho hay.
Theo báo cáo trên, tài sản tư nhân trên toàn cầu đạt mức 201,9 nghìn tỷ USD trong năm 2017, tăng 12% so với năm 2016, mức tăng mạnh nhất trong vòng 5 năm qua.
Các thị trường chứng khoán tăng điểm mạnh là một động lực chính cho sự gia tăng tài sản này. Các nhà đầu tư ngoài Mỹ cũng hưởng lợi từ biến động tỷ giá khi hầu hết các đồng tiền chủ chốt đều tăng giá so với đồng USD trong năm ngoái.
Các triệu phú và tỷ phú thế giới hiện đang kiểm soát khoảng một nửa tài sản cá nhân toàn cầu, từ mức chưa đầy 45% vào năm 2012, báo cáo cho hay.
Tại khu vực Bắc Mỹ, tài sản tư nhân đạt 86,1 nghìn tỷ USD. Trong đó, 42% của lượng tài sản có thể dùng để đầu tư nằm trong tay những người có tài sản từ 5 triệu USD trở lên. Tài sản có thể đầu tư bao gồm cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ và tiền mặt.
“Việc giới triệu phú nắm giữ một tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng tài sản tư nhân toàn cầu không có nghĩa là người nghèo ngày càng nghèo đi”, bà Anna Zakrzewski, một trong những tác giả của bản báo cáo, nhấn mạnh. “Điều đó có nghĩa là mọi người đều đang giàu lên, nhưng tốc độ giàu lên của người giàu là nhanh hơn”.
Châu Á là khu vực có sự gia tăng tài sản tư nhân đặc biệt mạnh, với mức tăng 19%, đạt 36,5 nghìn tỷ USD trong năm 2017. Khoảng 57% trong lượng tài sản này nằm trong tay người Trung Quốc.
Trung Quốc hiện xếp thứ nhì toàn cầu về tài sản tài chính tư nhân, vượt qua Nhật Bản và chỉ thua Mỹ – bà Zakrzewski cho hay.
Đông Âu và Trung Á là những khu vực có mức độ tập trung tài sản lớn nhất trong tay giới giàu. Riêng các tỷ phú ở các khu vực này đã nắm khoảng 1/4 tài sản tư nhân có thể đầu tư. 28 tỷ phú Đông Âu thuộc xếp hạng Bloomberg Billionaires Index có tổng tài sản ròng 294 tỷ USD, tăng 3,4 tỷ USD từ đầu năm đến nay.
Tài sản cũng có sự tập trung cao ở Hồng Kông, nơi những cá nhân có giá trị tài sản ròng hơn 20 triệu USD nắm 47% trong tài sản tư nhân có thể đầu tư.
Mỹ là quốc gia có nhiều người sở hữu tài sản cá nhân trên 100 triêu USD nhất. Trên toàn cầu, số người có tài sản như vậy, được gọi là người siêu giàu, dự báo đạt 671.000 người trước năm 2022.
Diệp Vũ (Theo Vneconomy)