Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tại buổi làm việc ngày 17/12.
Theo Bộ trưởng Nhạ, bên cạnh việc nâng cao chất lượng giáo dục, tất cả các trường học cần phải quan tâm đến việc dạy làm người cho học sinh, đặc biệt là học sinh dân tộc thiểu số.
“Những học sinh ở các trường nội trú đều đến từ các dân tộc khác nhau, tiếng phổ thông chưa thạo và phải sống xa bố mẹ. Bởi vậy, sự quan tâm của thầy cô để nâng cao sự tự tin của các cháu là điều rất quan trọng.
Muốn thế cần trang bị kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm quen với các bạn cùng lớp.
Hôm nay gặp một số cháu mạnh dạn, tôi rất mừng. Nhưng đây là môi trường gần như trường chuyên. Còn ở những vùng khác tôi từng qua, các cháu thậm chí học tới lớp 6, lớp 7 mà tiếng phổ thông chưa vững. Nhiều cháu bỏ học vì tiếng không vững và do một số vấn đề về cá nhân khác như không được gần bố mẹ.
Các cháu dân tộc khác nhau tập quán cũng khác nhau, rất phức tạp. Ngay cả vấn đề về bảo vệ quyền trẻ em và xâm hại tình dục cũng không được chú trọng” – ông Nhạ nói.
Về vụ việc hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Phú Thọ lạm dụng nam sinh, ông Nhạ khẳng định “đó là hành vi vi phạm pháp luật”.
Theo ông Nhạ, trường hợp này cần phải lên án, có thái độ rõ ràng và pháp luật phải xử lý nghiêm.
“Đã vi phạm pháp luật thì phải xử lý nghiêm. Nhưng ngành giáo dục chỉ dừng lại ở đó thì chưa đủ và không đúng, mà phải xử lý dứt điểm là đưa ra khỏi ngành” – ông Nhạ nhấn mạnh.
“Việc làm của một cá nhân nhưng khiến rất nhiều trường phổ thông dân tộc nội trú khác phải lo lắng. Phụ huynh sẽ nghĩ như thế nào khi trong một ngôi trường xưa nay được nghĩ rằng dạy dỗ các cháu như một gia đình lại xảy ra câu chuyện như vậy?”.
“Giáo dục phải đi từ gốc chứ không phải chỉ nghe hiện tượng ấy rồi áp khởi tố, xử lý kỷ luật. Khi đi từ gốc, học sinh phải được giáo dục giới tính, phải có những kỹ năng để phòng chống xâm hại. Chính các cháu phải được trang bị khả năng tự vệ”.
Theo ông Nhạ, Bộ GD-ĐT đã chuẩn bị rất chu đáo và bài bản, tăng cường giáo dục giới tính và tư vấn cho học sinh.
“Tôi nhấn mạnh việc đi từ gốc này và phải giáo dục cho các cháu, nhất là các cháu ở trường nội trú, hiểu biết được vấn đề giáo dục giới tính và những kỹ năng căn bản để phòng chống.
Như trường hợp của thầy hiệu trưởng kia đã diễn ra nhiều năm nay, nhưng chỉ khi các cháu nói ra mới biết. Như vậy, Bộ GD-ĐT phải phối hợp với VTV7 trong chương trình “Cơ thể của tớ là của tớ”, trong đó việc giáo dục giới tính và kỹ năng để phòng chống xâm hại tình dục trẻ em được thể hiện nhẹ nhàng thông qua hình ảnh. Các cháu có thể ngượng khi tiếp cận vấn đề này ở trên lớp nhưng tại nhà các cháu có thể xem để trang bị kỹ năng”.
Theo ông Nhạ, việc giáo dục này cũng không chỉ làm hình thức trình chiếu trên lớp mà bằng nhiều con đường khác nhau để học sinh có thể tự xem và tự thấy.
“Trong điều kiện công nghệ thông tin phủ khắp như hiện nay, chúng ta không thể cấm các cháu tham gia vào các trang mạng xã hội hay những trang web đen. Nhưng chúng ta phải giúp các cháu bằng cách trang bị các kỹ năng phòng vệ và kiến thức giáo dục giới tính” – ông Nhạ nói.
Nhìn nhận từ vụ việc hiệu trưởng lạm dụng nam sinh ở Phú Thọ, ông Nhạ cho rằng "rất nhiều vấn đề nảy sinh vì môi trường thiếu dân chủ, đến khi bùng phát ra mới biết". Vì vậy, "đây là bài học sâu sắc cho các trường nội trú - giáo dục từ gốc và thực hiện dân chủ" - ông Nhạ đặc biệt lưu ý.