Theo Tổng cục Đường bộ, dự án lắp cân điện tử được thực hiện cùng hoạt động sửa chữa mặt cầu Thăng Long.
Cụ thể, hệ thống cân điện tử sẽ gồm 4 bộ, được lắp đặt trên 2 chiều đường ra vào, đảm bảo kiểm soát và ngăn chặn 100% xe chở quá tải qua lại cầu Thăng Long. Tổng kinh phí dự kiến khoảng 35 tỷ đồng, lấy từ nguồn vốn bảo trì đường bộ.
Hệ thống cân điện tử cho phép cân được toàn tải xe ngay cả khi xe qua cầu theo tốc độ cho phép (80 km/h) với sai số cho phép nhỏ hơn 5% cho mọi tốc độ trong phạm vi, hoạt động ổn định tối thiểu 10 năm.
Hệ thống cân sẽ được vận hành tự động, kết nối với phần mềm quản lý tập trung dữ liệu kiểm soát tải trọng xe của Tổng cục Đường bộ. Cơ quan chức năng sẽ theo dõi và trích xuất kết quả cân và tiến hành “phạt nguội” các vi phạm về tải trọng đối với xe qua cầu.
Được biết, dự án sửa chữa hư hỏng mặt cầu Thăng Long dự kiến sẽ triển khai trong tháng 7/2020 với tổng mức đầu tư là gần 270 tỷ đồng. Tổng cục Đường bộ là cơ quan chuẩn bị và tổ chức mời thầu, đấu thầu. Dự kiến việc sửa chữa mặt cầu Thăng Long sẽ hoàn thành sửa chữa cầu vào cuối năm 2020.
Việc sửa chữa áp dụng với mặt cầu Thăng Long lần này bao gồm bóc sạch lớp bê tông nhựa hiện hữu. Sau đó thay thế và hàn các đinh neo thép vào bản mặt thép. Quan trọng nhất là lắp hệ thống lưới thép và đổ một lớp bê tông siêu tính năng (UHPC) cường độ cao thay thế lớp bê tông cũ vẫn sụt lún sau nhiều lần sửa chữa.
Với lớp bê tông mới, mặt cầu Thăng Long sẽ tiếp tục được phủ lớp bê tông nhựa mới tạo độ nhám và êm. Đặc biệt, Tổng cục Đường bộ cho biết giải pháp công nghệ này cho phép tuổi thọ các lớp bê tông mặt cầu Thăng Long có thể đạt tới 10 năm. Đây là công nghệ do Tổng cục Đường bộ nghiên cứu trong 2 năm, trên cơ sở tiếp thu công nghệ của nhiều nước đã áp dụng.