Cầu thép khác hẳn cầu bê tông
Bộ GTVT đang tiến hành nghiên cứu lựa chọn công nghệ phù hợp nhất để sửa chữa mặt cầu Thăng Long sau một thời gian dài xuống cấp và hư hỏng nặng. Một trong những giải pháp công nghệ đang được xem xét là lớp phủ phòng nước chất lượng cao của Mỹ. Theo giới thiệu của tập đoàn Versaflex, ưu điểm của lớp phủ (BDM) là cung cấp giải pháp bảo vệ các kết cấu bản mặt cầu (bê tông, thép), tăng tuổi thọ của kết cấu, tăng cường dính bám với lớp bê tông nhựa phía trên; có thể thi công trên các bề mặt không đồng nhất. Lớp phủ của hệ thống BDM được thi công hoàn toàn bằng thiết bị máy móc nhằm đảm bảo tuyệt đối cho chất lượng hệ thống lớp phủ.
PGS.TS Nguyễn Đình Thám, nguyên Trưởng Bộ môn Công nghệ quản lý và xây dựng, Đại học Xây dựng Hà Nội cho biết, cầu Thăng Long có đặc điểm là cầu thép láng nhựa bên trên, khác hẳn cầu bằng bê tông bởi biến đổi nhiệt độ giữa các lớp này rất cao, nên phải có công nghệ xử lý phù hợp. Vấn đề của cầu Thăng Long chủ yếu là giữa phần nền đường và phần mặt đường phải phù hợp với nhau. Phần dưới là cầu thép, ở giữa đặt lớp mặt nền, sau đó mới trải lớp nhựa lên trên. Phần nhựa trên và phần nền ở dưới phải phù hợp với nhau mới có thể chịu được sự thay đổi của thời tiết.
“Đã từng có rất nhiều công nghệ được đề xuất, Hà Nội cũng đã áp dụng để sửa chữa mặt cầu nhưng rồi không thành công. Vấn đề ở đây không phải là công nghệ mới nhất, tiên tiến nhất, đắt tiền nhất mà là công nghệ nào phù hợp nhất. Công nghệ cũ do Nga thực hiện từ lúc xây cầu đến thời điểm này vẫn hoàn toàn có thể áp dụng để sửa chữa mặt cầu hiệu quả được”, PGS.TS Nguyễn Đình Thám cho biết.
Theo PGS.TS Nguyễn Đình Thám, mặt cầu Thăng Long được đại tu, thay mới toàn bộ lớp thảm mặt cầu ô tô hồi năm 2009 với chi phí 90 tỷ đồng, theo công nghệ Mỹ. Tuy nhiên, chỉ sau thời gian ngắn đưa vào sử dụng, lớp phủ mặt cầu đã hư hỏng, bong tróc, rạn nứt... Tình trạng trên kéo dài tới nay, dù các giải pháp công nghệ từ Đức, Nhật... đã được đưa vào thí điểm vẫn không thành công.
Nên mời chuyên gia Nga xử lý?
Theo các chuyên gia, để khắc phục dứt điểm những hư hỏng ở cầu Thăng Long nên mời đơn vị thiết kế và thi công của Nga sang để xử lý. Tuy nhiên, khi mời phải yêu cầu về trách nhiệm và bảo lãnh công trình, đồng thời chuyển giao cả công nghệ sửa chữa.
“Chúng ta đừng làm chuột bạch về công nghệ, đừng biến việc sửa chữa mặt cầu thành nơi để người khác thí điểm, vừa tốn tiền, lại ảnh hưởng giao thông, có khi gây tai nạn, như trước dồn nhựa lên thành sống lưng trâu, rất nguy hiểm. Rồi nếu cứ để thực trạng hiện tại, sửa chữa chắp vá tốn kém thì không khác gì lỗ hổng để tiêu tốn tiền ngân sách nhà nước. Bất cứ một dự án nào theo quy luật đều phải có thiết kế và giám sát, ngay cả dự án sửa chữa, bảo dưỡng, chứ không thể thả nổi, người đề xuất phải có trách nhiệm, làm đúng quy trình, nếu không sẽ không có giá trị”, PGS.TS Nguyễn Đình Thám chia sẻ.
PGS.TS Nguyễn Quang Toản, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn đường bộ, Đại học GTVT Hà Nội lại cho rằng, nếu mời được các chuyên gia Nga sang là rất tốt, vì cầu Thăng Long rất đặc biệt, đây là cầu thép, cả nước chỉ có 2 cây cầu thép và đây là cây cầu chịu tải trọng lớn nhất, nên yêu cầu kỹ thuật cao, nếu hư hỏng thì kỹ thuật sửa chữa cũng cao. Cầu Thăng Long được làm theo công nghệ của Liên Xô trước đây, vừa là nhà thầu thi công, cũng là nhà thầu cung cấp thiết bị, vật liệu, tất cả được nhập khẩu.
Theo các chuyên gia, Bộ GTVT nên thận trọng lựa chọn công nghệ xử lý mặt cầu Thăng Long, cần thiết thì có thể mời các chuyên gia trong nước cùng đưa ra giải pháp một cách nghiêm túc. Vấn đề mấu chốt ở đây không phải là chọn công nghệ hiện đại nhất, mà là công nghệ phù hợp nhất với một cây cầu đã cũ, có tuổi thọ cao và đang hư hỏng nặng.
Bảo Khánh