Công nghệ nào tối ưu cho sông Tô Lịch?

(khoahocdoisong.vn) - Phía Nhật Bản khẳng định đã tìm ra giải pháp xử lý tối ưu cho cả dòng sông Tô Lịch. Theo các chuyên gia, giải pháp công nghệ không khó, quan trọng là cách tổ chức thực hiện.

Tìm ra giải pháp tối ưu?

Tổ chức Xúc tiến thương mại - Môi trường Nhật Bản ( JEBO - đơn vị trực tiếp thực hiện thí điểm sông Tô Lịch) thông báo đã tìm ra giải pháp xử lý cho cả dòng sông Tô Lịch. Theo đó, giải pháp xử lý nước thải tại chỗ từ các cống trước khi xả thải ra sông để xử lý cả sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano-Bioreactor Nhật Bản được thực hiện như sau: Nhóm 1: Hệ thống Nano-Bioreactor xử lý nước thải tại chỗ trong ngày (24 giờ), rồi mới xả vào sông nước đạt QCVN, là nguồn cấp nước bổ cập tại chỗ cho sông Tô Lịch. Nhóm 2: Hệ thống Nano-Bioreactor xử lý mùi, chất ô nhiễm và phân hủy bùn hữu cơ ở trong lòng sông, tạo dòng chảy cho sông Tô Lịch.

Giải pháp này sẽ đảm bảo nước thải từ các cống sẽ được xử lý tại chỗ tại bể ngầm dưới đất bằng hệ thống Nano-Bioreactor nhóm thứ 1 tạo ra nước đạt QCVN rồi mới chảy vào sông Tô Lịch. Hệ thống vận hành hoàn toàn tự động, có điều khiển đáp ứng cả khi có mưa bão lớn. Đơn vị sẵn sàng đầu tư 100% chi phí xây dựng hệ thống xử lý ban đầu cho toàn bộ sông Tô Lịch, hồ Tây. Nếu thành công, đơn vị sẽ cho Hà Nội thuê, rồi chuyển giao cho TP quản lý, vận hành.

GS Vũ Trọng Hồng, Chủ tịch Hội Thủy lợi cho rằng phương án xử lý tại chỗ là rất khả thi, có tính bền vững. Nhưng việc sử dụng công nghệ của JEBO hay dùng công nghệ trong nước thì cần tính toán. Hiện ở Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, ĐH Khoa học tự nhiên, ĐHQG Hà Nội, có nhiều nhà khoa học cũng đã nghiên cứu chuyên sâu bài bản về vấn đề này và xác định xử lý tại chỗ bằng biện pháp sinh học là cách bền vững nhất, ít tốn kém nhất.

TS Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu, nhận định để giải quyết vấn đề ô nhiễm của sông Tô Lịch, hồ Tây cũng như các sông, hồ khác ở TP Hà Nội là không khó nhưng cần có quyết tâm và đầu tư phải có kế hoạch bài bản, đồng bộ. Việc Nhật Bản nói hỗ trợ 100% kinh phí, sau đó cho thuê, cũng cần được tính toán kỹ càng, tránh bị lệ thuộc vào công nghệ, trong khi chúng ta cũng có giải pháp công nghệ trong tay.

Sẽ thu gom toàn bộ nước thải khu dân cư

Chiều 5/12, HĐND thành phố Hà Nội tiếp tục phiên chất vấn. Phát biểu giải trình tại phiên họp, chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã đề cập tới việc xử lý ô nhiễm các dòng sông trong đó có sông Tô Lịch. Ông Chung cho rằng, đề tài xử lý ô nhiễm các dòng sông trong đó có sông Tô Lịch là một vấn đề được nhiều người dân, cử tri, các chuyên gia, các nhà khoa học quan tâm nhiều năm vừa qua và đặc biệt là những năm gần đây. Có nhiều phương án được đề xuất, tuy nhiên đến thời điểm này, Hà Nội chưa chọn phương án nào.

“Hiện nay thành phố đang triển khai dự án nước thải Yên Xá với công suất 270.000m2 ngày đêm, và không có gì thay đổi thì phấn đấu quý II/2022 sẽ hoàn thành. Khi đó, toàn bộ nước thải của quận Đống Đa, một phần nước thải của các quận Ba Đình, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, Thanh Trì và Hà Đông sẽ được thu gom, cơ bản nước thải của sông Tô Lịch sẽ được thu gom về Nhà máy nước thải Yên Xá xử lý, sau đó sẽ được quay trở lại sông Tô Lịch. Hiện nay việc đào hệ thống thu gom nước thải của khu dân cư đang được thực hiện bằng robot, nơi sâu nhất là 18m, nơi nông nhất là 13m. Liên quan tới dự án này thành phố đang kiên trì thực hiện, trong thời gian tới sẽ thông tin rộng rãi”, ông Nguyễn Đức Chung cho biết.

ThS Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và biến đổi khí hậu Đại học Quốc gia TPHCM cho rằng, để xử lý nước thải hiệu quả nhất là phải có hệ thống xử lý tại hộ gia đình. Hoặc toàn bộ hệ thống nước thải phải được gom về nhà máy xử lý chứ không nên thải xuống sông rồi từ đó có một giải pháp khác để xử lý lại, hiện nay trên thế giới không có nơi nào làm như thế. Từ giờ đến lúc có hệ thống này thì Hà Nội nên chọn giải pháp xử lý nước thải tại chỗ bằng phương pháp sinh học. Xây dựng các bể xử lý nước tại các họng xả trên sông Tô Lịch rồi sử dụng một số vật liệu lọc nước đơn giản như đất hiếm hay thiết kế hệ thống cây lọc nước như thủy trúc, bèo lục bình... có quy hoạch, vừa lọc nước vừa tạo cảnh quan.

Bảo Khánh

Theo Đời sống
back to top