Đó là nhận định của các chuyên gia cũng như cơ quan quản lý trong việc nâng cao gia trị xuất khẩu sản phẩm cá tra thích ứng với thị trường thế giới.
Cụ thể, hiện nay ngành nuôi trồng cá tra đang đối diện với nhiều khó khăn như chất lượng giống cá tra ngày càng suy giảm khiến tỷ lệ hao hụt ở giai đoạn nuôi thương phẩm tăng cao, hiệu quả sản xuất thấp. Mặt khác, liên kết chuỗi trong sản xuất cá tra bị ảnh hưởng lớn do trước đây giá cá tra thương phẩm cao nên xuất hiện tình trạng người nuôi chủ động xin không tham gia liên kết sản xuất...
Hệ quả, năm 2019, diện tích nuôi mới và sản lượng thu hoạch cá tra giảm so với cùng kỳ năm 2018. Ước sản lượng năm 2019 đạt 1,23 triệu tấn, giảm 6% so với năm 2018. Sản lượng giảm nhưng giá cá tra nguyên liệu biến động ở mức thấp vào cuối năm. Nếu năm 2018, giá cá nguyên liệu ở mức cao nhất là 36.000đ/kg thì đến đầu năm 2019, giá cao nhất chỉ còn 31.000đ/kg; đến tháng 2 bắt đầu giảm dần và hiện chỉ còn khoảng 20.000đ/kg.
Kim ngạch xuất khẩu cá tra năm 2019 ước đạt 2 tỷ USD, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2018. Cơ cấu thị trường cũng thay đổi khi giảm sản lượng ở Mỹ, EU nhưng tăng ở Trung Quốc, Nhật Bản và ASEAN.
Các chuyên gia cho rằng, cần ứng dụng công nghệ sinh học trong lai tạo giống và phòng bệnh cho loài thủy sản có giá trị kinh tế; nâng cao năng lực chế biến cá tra đáp ứng thị trường xuất khẩu; quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm trong chế biến cá tra xuất khẩu...
Từng ao nuôi cá tra phải được cấp mã số nhận diện, áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng như GlobalGap, ASC, BAP, VietGAP… Thực hiện theo các quy định của Cục Thú y về việc giám sát bệnh theo kế hoạch cho nguyên liệu đầu vào. Tổ chức đào tạo và nâng cao trình độ sản xuất.
Khâu chế biến, cơ cấu sản phẩm chưa hợp lý khi sản phẩm đông lạnh chiếm trên 92%, các sản phẩm giá trị gia tăng chưa được quan tâm đúng mức khiến các phụ phẩm từ đầu, xương, da, vây cá, nội tạng… tạo ra sản phẩm cao cấp chưa nhiều. Trong khi đó, cạnh tranh không lành mạnh dẫn đến chất lượng sản phẩm giảm sút.