Bộ đã tiếp thu để chỉnh sửa quy định, doanh nghiệp lo "vỡ trận" nhanh hơn

(khoahocdoisong.vn) - Nhiều chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng, Dự thảo nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ Môi trường đã trình Bộ Tư pháp và các Bộ, ban, ngành thẩm định còn một số điểm gây "khó" cho doanh nghiệp.

Thủ tục cấp phép vẫn phức tạp

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, mặc dù Bộ TN&MT nói dự thảo mới đã tiếp thu nhiều ý kiến theo hướng đơn giản hóa quy định về hồ sơ, trình tự đề nghị cấp giấy phép môi trường. Nhưng thực tế hồ sơ và thủ tục xin cấp giấy phép môi trường rất phức tạp, trùng lặp, không rõ thời gian thực hiện.

Cụ thể, “hồ sơ xin cấp giấy phép môi trường (GPMT) trong dự thảo này đã cắt giảm hơn so với dự thảo trước (8 mục so với 15 mục). Nhưng trong 8 mục vẫn còn 5 mục chồng chéo với hồ sơ xin duyệt đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Tức là doanh nghiệp vẫn phải nộp 5 mục hồ sơ 2 lần” - ông Nam cho biết.

Theo ông Nam, với quy trình này, phần lớn doanh nghiệp vẫn sẽ phải trải qua 2 lần thẩm định + 2 lần kiểm tra thực địa. Quy trình cấp phép không hiệu quả để bảo vệ môi trường do chỉ là tiền kiểm.

Hơn nữa, việc tiền kiểm như lập đoàn kiểm tra khi dự án còn chưa vận hành thử nghiệm mà không hậu kiểm thì không thể phát hiện được các vi phạm. Trong khi những quy định này làm tăng thêm giấy phép và giấy phép con.

Trước đây dự án phải làm ĐTM chỉ cần xin duyệt ĐTM, không cần xin giấy phép môi trường. Bây giờ thì dự án đã được duyệt ĐTM vẫn phải xin giấy phép. Mà hồ sơ xin giấy phép này lại nhiều phần trùng lặp với hồ sơ ĐTM.

"Bộ TN&MT không nên so với dự thảo cũ. Mà nên xem hồ sơ có bị trùng, thủ tục xét duyệt có hợp lý hay không... mới đúng với tinh thần cải cách hành chính. Không lẽ dự thảo đầu tiên có 8 điểm dở, dự thảo cuối còn 5 điểm dở thì được coi là cải cách?", ông Nam nhấn mạnh.

"Đối với khoản thu đóng góp vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam (Điều 88 của Dự thảo) và thành lập Văn phòng Thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu Việt Nam (EPR) để quản lý quỹ này",  ông Nam cho biết, các hiệp hội doanh nghiệp đã nêu vấn đề này.

Theo đó, cuối tháng 8/2021, tại hội thảo về dự thảo nghị định này, đại diện doanh nghiệp đã có ý kiến, rằng với ý nghĩa bắt buộc của khoản đóng góp, thì đây là một khoản phí, tương tự như phí bảo vệ môi trường đối với xăng dầu hay với khai thác khoáng sản.

Do đó, khoản thu này cần được quản lý theo quy định pháp luật về phí.

Khi đó, đại diện của Bộ TN&MT giải thích, khoản đóng góp theo Dự thảo không đáp ứng định nghĩa phí trong Luật Quản lý phí, lệ phí, vì không có đơn vị cung cấp dịch vụ công.

Hơn thế, nếu gọi là phí thì phải nộp vào ngân sách và như vậy không dùng được cho mục đích bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp không đồng tình với giải thích đó.

Trong văn bản mới nhất mà 7 hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp vừa tham gia góp ý cho Dự thảo, ý kiến tiếp tục là cần xác định rõ đây là một khoản phí và tuân thủ quy định pháp luật về phí.

t-so-dieu-cua-luat-bao-ve-moi-truong-2020-khong-hop-ly-anh-huong-tieu-cuc-den-hoat-dong-san-xuat-kinh-doanh-cua-doanh-nghiep.gif
Cộng đồng doanh nghiệp cho rằng, nhiều quy định trong Dự thảo nghị định mới được trình Bộ Tư pháp và các Bộ, ban, ngành thẩm định vẫn còn băn khoăn một số điểm.

Gỡ khó có... khó không ?

Trong khi quan điểm của Bộ TN&MT đang muốn “lách luật” để thu thêm từ doanh nghiệp, thì rất nhiều chuyên gia kinh tế đã có ý kiến phải giảm các khoản đóng góp nhằm tăng hiệu quả hoạt động cho doanh nghiệp.

TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam – đề nghị Chính phủ phải hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động trở lại, hồi phục nhanh để có nguồn tiền.

Trong đó, khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp đang thu hẹp, vì doanh nghiệp yếu đi, việc đứt chuỗi sản xuất, không còn hoặc giảm đơn hàng… là vấn đề ông Thiên lo ngại hơn cả là.

“Ngân hàng không thể giảm lãi suất mãi được. Vì có giới hạn an toàn để bảo vệ hệ thống ngân hàng. Nếu ngân hàng tới hạn, thì Chính phủ ra tay, hỗ trợ bù lãi suất. Ngân hàng cần giám sát các khoản vay một cách chặt chẽ, nhưng đừng quá nghiệt ngã. Đặc biệt, các khoản chi phí, khoản phải nộp của doanh nghiệp lúc này phải được tiết giảm tối đa, để doanh nghiệp có tiền dồn cho phục hội sản xuất - kinh doanh”, ông Thiên nói.

Theo ông Thiên, bãi bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, các quy định làm khó doanh nghiệp cũng là một giải pháp cấp bách. Nhưng để thực hiện được, các bộ, ngành phải thực sự vào cuộc.

TS Trần Đình Thiên cho rằng, đây là những giải pháp cần phải thực hiện ngay trong thời điểm này, cùng với việc thực hiện có hiệu quả các nghị định, nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, về an sinh xã hội.

“Thứ nhất, cần tiếp tục các chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp, như giãn, hoãn các khoản phải nộp. Thứ hai, các hình thức quỹ bảo lãnh tín dụng, quỹ dự phòng tài chính cũng cần được xem xét, tham gia để hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp có tiềm năng, cơ hội phục hồi nhanh, mạnh trong lúc này”.

TS Trần Đình Thiên

Một vấn đề nữa, khó thực hiện hơn nhưng vẫn "được" dự thảo quy định mà đại diện doanh nghiệp đã nêu, là quy định cấm sử dụng bao bì nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy từ 1/1/2026.

Cụ thể, dự thảo quy định, từ thời điểm trên, toàn bộ sản phẩm từ nhựa khó phân hủy như chai nhựa, can nhựa, hộp nhựa đựng thực phẩm, hóa mỹ phẩm (ví dụ nước khoáng, nước ngọt, nước mắm, mắm tôm, dầu ăn, dầu gội đầu, sữa tắm, tẩy bồn cầu…) không được lưu hành, hay  kinh doanh.

Theo ông Nguyễn Hoài Nam, doanh nghiệp sẽ khó đáp ứng được yêu cầu này.

“Hiện không có nước nào quy định như vậy (bao gồm cả EU, Mỹ…) do chưa có các công nghệ thay thế. Quy định này sẽ buộc hàng loạt nhà máy sản xuất thực phẩm, hóa mỹ phẩm đóng cửa và người tiêu dùng không có sản phẩm thực phẩm, hóa mỹ phẩm để sử dụng hằng ngày" - ông Nam cho biết.

"Ngay cả EU cũng chỉ định hướng là đến 2030 sẽ chuyển đa số sản phẩm sang sử dụng nhựa phân hủy sinh học, cấm nhựa khó phân hủy. Do dự kiến 10 năm nữa mới có thể có công nghệ thay thế. Còn trước mắt họ chỉ cấm sản phẩm dùng một lần như cốc, đĩa nhựa, ống hút dùng một lần, tăm bông ngoáy tai... Và họ còn có danh mục cụ thể sản phẩm nào cấm, các sản phẩm dùng một lần khác vẫn được phép sử dụng chứ không quy định chung là cấm hết như Việt Nam” - ông Nam bổ sung thông tin.

Theo Đời sống
Lãi kép: Con dao hai lưỡi?

Lãi kép: Con dao hai lưỡi?

Lãi kép là một công cụ tài chính mạnh mẽ nhưng cần hiểu rõ để áp dụng đúng cách. Biết cách tận dụng, nó sẽ giúp người đầu tư đạt được lợi nhuận lớn theo thời gian.
back to top