Bình Phước: Phó Chánh văn phòng Sở Y tế "chửi thề" tại cuộc họp công đoàn

Bà Hồ Phấn Cẩm, cán bộ Sở Y tế tỉnh Bình Phước có thái độ không lịch sự, “đập bàn” và “chửi thề” tại cuộc họp công đoàn đang tạo ra một vết hoen trong văn hoá giao tiếp nơi công sở?

Họp nhao nhao như cái chợ cá…

Mới đây, ông Văn Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn văn phòng Sở Y tế tỉnh Bình Phước đã có văn bản số 03/2023 gửi Giám đốc Sở Y tế về việc công chức vi phạm văn hoá giao tiếp nơi công sở.

Công đoàn văn phòng Sở Y tế tỉnh Bình Phước đã có văn bản số 03/2023 gửi Giám đốc Sở Y tế về việc công chức vi phạm văn hoá giao tiếp nơi công sở.

Công đoàn văn phòng Sở Y tế tỉnh Bình Phước đã có văn bản số 03/2023 gửi Giám đốc Sở Y tế về việc công chức vi phạm văn hoá giao tiếp nơi công sở.

Theo báo cáo, vào ngày 13/02/2023, công đoàn Văn phòng Y tế tổ chức cuộc họp thông qua nội dung chuẩn bị Đại hội công đoàn và lấy ý kiến nhận xét của đoàn thể chính trị - xã hội nơi người vào Đảng sinh hoạt đối với quần chúng Uông Thị Thảo. Trong quá trình họp đã xảy ra “to tiếng” giữa ông T. V. B và bà Hồ Phấn Cẩm (Công đoàn viên, Phó Chánh văn phòng Sở). Bà Hồ Phấn Cẩm đã có thái độ không lịch sự (đập bàn) và ngôn ngữ giao tiếp không chuẩn mực (chửi thề).

Trụ sở Sở Y tế tỉnh Bình Phước .

Trụ sở Sở Y tế tỉnh Bình Phước .

Trong văn bản giải trình về hành động của mình tại cuộc họp, bà Hồ Phấn Cẩm cho biết: “Chắc cả nước không có đơn vị nào như ở đây, họp nhao nhao như cái chợ cá là của ông T.V.B.”

Cũng trong văn bản giải trình, bà Hồ Phấn Cẩm đã thừa nhận có lớn tiếng trong lúc tranh luận và đưa tay vỗ vào bàn một cái và có phát ngôn “mẹ tưởng nội dung gì…”.

Bà Cẩm giải thích từ “mẹ” mà bà dùng là câu cao trào của cảm xúc, là thói quen hàng ngày, việc vỗ tay vào bàn là tính nóng của cá nhân. Qua sự việc trên sẽ rút kinh nghiệm, kiềm chế tính nóng và hoàn thiện bản thân.

Bới lông tìm vết lộ diện đấu đá nội bộ?!

Ngay sau khi ông Văn Thanh Bình gửi văn bản báo cáo về việc “đập bàn, chửi thề” của bà Hồ Phấn Cẩm, Giám đốc Sở Y tế Bình Phước cũng đã yêu cầu những người có liên quan làm tường trình.

Ngoài việc tường trình hành vi “đập bàn, chửi thề” bà Hồ Phấn Cẩm cho rằng, ông Bình chưa công tâm khách quan đánh giá sự việc và có phần thiên vị. Bà Cẩm cũng kiến nghị việc xử lý đối với ông Bình vì cho rằng khi ban hành công văn số 03/2023 là chưa đúng trình tự thủ tục ban hành, vi phạm nguyên tắc tập chung dân chủ, ông Bình chưa nêu gương, làm tròn trách nhiệm khi để xảy ra sự việc “to tiếng” ngày 13/02/2023.

Cũng theo bà Cẩm, ông Văn Thanh Bình đề nghị Giám đốc Sở Y tế xem xét xử lý hành vi “đập bàn” “chửi thề” theo Khoản 1 Điều 16 Luật Cán bộ công chức là nhầm lẫn về tư cách, trách nhiệm và pháp lý vì công đoàn viên tham gia hoạt động công đoàn nếu có vi phạm thì xử lý theo quy định của tổ chức công đoàn không thể xử lý trách nhiệm của công chức khi công chức không thi hành công vụ.

"Đập bàn, chửi thề" có bị xử lý?

Trao đổi với phóng viên Khoa học và Đời sống - Báo Tri thức và Cuộc sống về vấn đề này, Luật sư Bùi Thị Hiền, Công ty Luật Nam Anh Interlegal cho biết theo khoản 1 Điều 16 Luật Cán bộ công chức năm 2008, quy định trong giao tiếp ở công sở, cán bộ công chức phải có thái độ lịch sự, tôn trọng đồng nghiệp; ngôn ngữ giao tiếp phải chuẩn mực, rõ ràng mạch lạc. Các vi phạm quy định về đạo đức, văn hóa giao tiếp của cán bộ, công chứcsẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định tại Nghị định số 112/2020 ngày 18/9/2020 của Chính phủ.

Bên cạnh đó, tại Điều 7 Quy tắc ứng xử của cán bộ công đoàn được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 1594/2007 ngày 12 tháng 12 năm 2007 cũng quy định rõ cán bộ công đoàn khi làm việc tại công sở và trong thời gian thực thi nhiệm vụ phải thực hiện quy định về văn minh công sở; có đạo đức, lối sống văn hóa, chuẩn mực, giữ uy tín, danh dự cho cơ quan, đơn vị, lãnh đạo và đồng nghiệp. Trường hợp vi phạm phải chịu xử lý kỷ luật theo quy định được ban hành kèm theo Quyết định số 5130/2022 ngày 12 tháng 8 năm 2022 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Theo Luật sư Hiền, một cán bộ tham gia cuộc họp tại công sở với tư cách của công chức hay cán bộ công đoàn nếu được xác định có hành vi vi phạm về chuẩn mực trong lời nói, thái độ, giao tiếp thì tùy theo tính chất, mức độ có thể bị xử lý kỷ luật theo các quy định đã được viện dẫn nêu trên.

Để có thêm thông tin đa chiều phóng viên đã gửi nội dung đến Giám đốc Sở y tế tỉnh Bình Phước từ ngày 24/02/2023. Tuy nhiên, đến ngày 08/03/2023, phóng viên đến liên hệ làm việc nhưng ông Quách Ái Đức, Giám đốc Sở Y tế đã từ chối cung cấp thông tin. Ngoài ra, phóng viên đã liên hệ với bà Hồ Phấn Cẩm nhưng không nhận được câu trả lời.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.

Xem thêm:

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY TẮC ỨNG XỬ CỦA CÁN BỘ CÔNG ĐOÀN

Điều 7. Trong giao tiếp hành chính

1. Cán bộ công đoàn khi làm việc tại công sở và trong thời gian thực thi nhiệm vụ phải đeo thẻ công chức theo Quy định; phải thực hiện Quy định về văn minh công sở; có đạo đức, lối sống văn hóa, chuẩn mực, giữ uy tín, danh dự cho cơ quan, đơn vị, lãnh đạo và đồng nghiệp.

2. Phải có thái độ lịch sự, hòa nhã, văn minh khi tiếp cán bộ, đoàn viên và công nhân, viên chức, lao động tại công sở. Khi giao dịch trực tiếp, hoặc bằng văn bản hành chính hoặc qua các phương tiện thông tin (điện thoại, thư tín, mạng internet …) phải bảo đảm thông tin trao đổi trên cơ sở luật pháp, đúng nội dung công việc mà cơ quan, đơn vị, tổ chức và cán bộ, đoàn viên, người lao động cần hướng dẫn, trả lời.

3. Khi thừa hành nhiệm vụ phải tôn trọng người lãnh đạo, phục tùng và chấp hành nhiệm vụ được giao; phải phát huy tinh thần tự chủ, dám chịu trách nhiệm và có trách nhiệm đóng góp ý kiến trong hoạt động, điều hành của cơ quan, đơn vị mình, bảo đảm cho hoạt động đạt kết quả cao.

4. Trong quan hệ với đồng nghiệp phải trung thực, chân thành, tôn trọng, có trách nhiệm, bảo đảm sự đoàn kết; phối hợp trong quá trình thực hiện nhiệm vụ để công việc được giải quyết nhanh chóng, hiệu quả.

Theo Đời sống
Biển “cấm đổ rác”... vô tác dụng!

Biển “cấm đổ rác”... vô tác dụng!

Tại một bãi đất quy hoạch thuộc địa bàn phường Phước Long A, TP Thủ Đức (TP HCM), vốn từ lâu được xem là “điểm đen” của rác thải tự phát, khi các bãi rác thải lớn ô nhiễm tồn tại “tra tấn” người dân sinh sống trong khu vực.
back to top