Bình gas mini chỉ sử dụng một lần

Bình gas mini được thiết kế để sử dụng một lần. Việc sử dụng những chiếc bình gas cũ, rỉ sét, sang chiết nhiều lần… sẽ làm cho áp lực bên trong bình gas tăng lên, trong khi vỏ của bình gas mini rất mỏng, nên khả năng xảy ra cháy nổ là rất cao.

Giá rẻ = không an toàn

Trưa 18/11/2016, sau khi dự Lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, 30 học sinh lớp 10 chuyên Anh của Trường THPT chuyên Vị Thanh (Hậu Giang) về nhà cô chủ nhiệm tổ chức liên hoan. Khi mọi người đang ăn món lẩu, bếp gas mini bị tắt. Một số bạn xúm lại mở ra kiểm tra thì nghe có mùi gas bị xì rồi ngay sau đó đã phát nổ.

Sự cố xảy ra khiến 10 học sinh bị bỏng vùng mặt, tay, chân được đưa vào bệnh viện cấp cứu. Đến chiều cùng ngày, sức khỏe và tinh thần các em đã dần ổn định, 6 học sinh đã xuất viện về nhà.

Theo Th.S Trần Thắm, Trung tâm Nghiên cứu Phụ gia Dầu mỏ, Viện Hóa học Công nghiệp, về nguyên tắc, bình gas mini chỉ được sử dụng một lần mà không được phép chiết nạp, sử dụng lại.

Việc sử dụng loại bình cũ lại càng nguy hiểm do bình đã bị rỉ sét, van bình không còn độ chính xác sau nhiều lần sử dụng dẫn đến rò rỉ gas và cháy nổ. Lý do để bình gas mini cũ có “đất sống” vì giá rẻ hơn nhiều so với bình gas mới, được các cơ sở kinh doanh sang chiết trái phép để tận dụng lại.

Giá thành rẻ chỉ vài ngàn đồng mỗi lần đổi gas, so với vài chục ngàn mua bình gas mới là lý do để ở quanh các khu trọ, khu nhà ở sinh viên, người lao động, thường có các cửa hàng tạp hóa nhận đổi gas với mức giá chỉ vài ngàn đồng.

Các vụ tai nạn từ sử dụng bình gas mini đa phần xuất phát từ nguyên nhân sử dụng bình gas cũ, van gas lỏng lẻo, bị rò rỉ gas nên dẫn đến cháy nổ.

“Giống như bất cứ loại đồ dùng một lần nào, bình gas mini khi được thiết kế cũng chỉ đảm bảo chỉ số an toàn cho lần sử dụng đầu tiên. Nếu vẫn tiếp tục sang chiết để sử dụng thì van gas bị lỏng sẽ dẫn đến rò rỉ, vỏ gas vốn đã rất mỏng, lại rỉ sét, va đập trong quá trình vận chuyển thì nguy cơ mất an toàn càng cao hơn”, Th.S Trần Thắm cho biết.

Vỏ bình gas cũ dễ “bục”

Th.S Trần Thắm cho biết, các bình gas mini được sang chiết trái phép thường không an toàn do nhiều cơ sở sang chiết lậu vẫn chiết thẳng gas có áp suất lớn từ các bình gas lớn sang bình gas mini. Trong khi đó, thiết kế vỏ bình gas mini mỏng, chỉ chịu được áp suất thấp.

Việc sang chiết lậu sẽ làm cho áp suất trong bình gas mini tăng gấp 2 lần so với thiết kế, dễ gây nổ bình. Nguy hiểm hơn nữa là khi đun nấu quá lâu trên bếp, sức nóng sẽ góp phần làm tăng áp suất bình gas dẫn đến cháy nổ.

Trong khi đó, ngay cả với bình gas lớn được sử dụng phổ biến trong nhiều hộ gia đình, việc vỏ và van gas đúng chuẩn cũng chưa quyết định hoàn toàn đến mức độ an toàn cho người sử dụng. Dây thấp áp, và van điều áp đóng vai trò quan trọng trong việc an toàn khi sử dụng gas.

“Đối với bình gas mini, khoảng cách từ bình gas đến bộ phần phát lửa là rất gần. Đa phần là khi nấu, bình gas cũng sẽ bị nóng lên cùng với thời gian đun nấu. Trong khi đó khuyến cáo an toàn đối với sử dụng bếp gas là không để bình gas cạnh nguồn điện, nguồn lửa với khoảng cách từ bình đến bếp là 1,5m.

Vì nếu để quá gần bình gas sẽ phải chịu tác dụng của nhiệt do bếp tỏa ra lúc này lực ép trong bình sẽ tăng cao và có thể gây nổ bình gas. Cộng với áp lực sang chiết không đúng làm vỏ gas mini yếu đi, thì việc đun nấu làm tăng nhiệt độ lại càng làm cho vỏ bình gas dễ bị “bục” ra, gây ra cháy nổ, đe dọa tính mạng người sử dụng”, Th.S Trần Thắm cho biết.

ThS Trần Thắm cho biết, theo quy định bắt buộc thì tất cả các bình gas phải được kiểm định áp lực. Bình gas mini cũng có tem kiểm định an toàn. Tốt nhất không sử dụng lại bình gas cũ, rỉ sét, nắp van lỏng lẻo. Trường hợp bắt buộc phải dùng lại bình gas cũ thì nên quan sát kỹ các dấu hiệu trên và không đun nấu trong thời gian dài, hạn chế ăn lẩu bằng bình gas mini.

Bảo Khánh

Theo Đời sống
back to top