Biến thể nCoV có một số đột biến gây lo ngại

Ghi nhận lần đầu ở Nhật, R1 có những đặc điểm chung với các biến thể khác và một số đột biến riêng biệt.

Các quan chức y tế Mỹ nhận định: “Dù không được xác định là biến thể cần quan tâm nhưng R1 có một số đột biến quan trọng”.

Một số nhà khoa học cho rằng R1 có khả năng lách qua sự bảo vệ do vắc xin cung cấp. “R1 chứa 5 đột biến đã được ghi nhận trước đây trong các biến thể khác. Ngoài ra, nó cũng chứa nhiều đột biến riêng”, nhà khoa học người Mỹ, William Haseltine, nói. 

Biến thể nCoV có một số đột biến gây lo ngại

Các biến thể thường gây lo ngại về khả năng kháng vắc xin. Ảnh minh họa: Healthaffairs

Nguồn gốc của R1

Biến thể trên được phát hiện lần đầu ở Nhật Bản, đến nay đã xuất hiện ở khoảng 40 quốc gia. Qua sàng lọc các xét nghiệm dương tính SARS-CoV-2, giới chuyên môn ghi nhận 10.500 ca nhiễm R1. Y tế Công cộng Anh đánh giá đây là biến thể cần giám sát. Ở Mỹ có 2.200 trường hợp mắc R1.

Vắc xin có chống lại được R1?

Một số đột biến của R1 đã thấy ở các chủng nguy hiểm khác như E484K ở Beta (phát hiện lần đầu ở Nam Phi) và Gamma (Brazil). Đột biến này đã được chứng minh có thể né tránh các kháng thể, là các protein trong máu chống lại nhiễm trùng.

Trong một nhà dưỡng lão ở bang Kentucky (Mỹ) có 46 người nhiễm R1. Trong đó 22 người đã tiêm phòng đầy đủ.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ cho biết cuộc điều tra khẳng định những lo ngại về khả năng giảm khả năng miễn dịch với R.1.

Giáo sư Haseltine đánh giá sự phổ biến của R1 ở Nhật Bản là cảnh báo đầu tiên về một loại virus lây lan trong một cộng đồng được tiêm chủng đầy đủ.

R1 có dễ lây lan hơn không?

Giáo sư Haseltine thông tin R1 có bộ ba đột biến là nguồn gốc của tất cả các biến thể cần quan tâm hoặc gây lo ngại bao gồm Alpha, Beta, Gamma, Delta, Lambda và Mu.

Trong đó, 2 đột biến có những đặc điểm chưa được làm rõ. Đột biến thứ 3, D614G, làm tăng khả năng lây nhiễm.

Dù vậy, thống kê các ca bệnh tại nhà dưỡng lão ở Kentucky, vắc xin vẫn có hiệu quả 87% chống lại Covid-19 có triệu chứng. Tỷ lệ nhiễm bệnh ở người chưa được tiêm vắc xin cao gấp 3 lần người đã chủng ngừa. Như vậy, vắc xin ngăn chặn sự lây truyền của biến thể R1 ở một mức độ nào đó.

Chúng ta có nên lo lắng?

Amesh A. Adalja, học giả cấp cao tại Trường Y tế Công cộng Johns Hopkins Bloomberg, đánh giá: “Tôi không nghĩ R1 sẽ là một vấn đề lớn vì nó không có khả năng thay thế Delta".

“Thực sự rất khó để những loại đột biến mới có được chỗ đứng ở một quốc gia có sự xuất hiện của Delta. Sẽ có nhiều biến thể mới giống như phiên bản này”.

R1 đã có mặt ở Anh nhưng không phổ biến. Điều này có thể do một số yếu tố, chẳng hạn như không cạnh tranh được với Delta (lần đầu tiên xuất hiện ở Ấn Độ và hiện chiếm ưu thế ở Anh).

Tuy nhiên, Giáo sư Haseltine cho biết: “R1 là một biến thể cần theo dõi khi tạo dựng được chỗ đứng ở Mỹ và Nhật”.

“Ngoài một số đột biến giống các chủng khác, R1 có một tập hợp các đột biến khác biệt có thể mang lại lợi thế bổ sung trong việc truyền, sao chép và ức chế miễn dịch”.

An Yên (Theo The Sun, Forbes)

Theo vietnamnet.vn
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top