Biển số trúng đấu giá có được chuyển nhượng, cho tặng?

Chính phủ vừa có tờ trình gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ôtô thông qua đấu giá.

Đáng chú ý, Chính phủ đề xuất khi chuyển nhượng xe, người trúng đấu giá được quyền giữ lại biển số để đăng ký cho xe khác. Tuy nhiên, người sở hữu không được phép chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế biển số trúng đấu giá; trong 12 tháng kể từ ngày trúng đấu giá phải đăng ký biển số đó gắn với phương tiện, nếu không sẽ bị thu hồi.

Như vậy, biển số xe sẽ không được coi là một tài sản đúng nghĩa, không đầy đủ thuộc tính của một loại tài sản theo quy định của Bộ luật Dân sự (có quyền quản lý, sử dụng nhưng không được định đoạt, chuyển nhượng, bán, tặng cho...).

Theo luật sư Cường, đây là nội dung quy định có phần hạn chế quyền của người trúng đấu giá biển số xe. Nội dung quy định này thuận lợi cho cơ quan chức năng trong việc quản lý, kiểm soát biển số xe, quản lý phương tiện. Tuy nhiên, khi biển số xe được quy định ít quyền, chỉ thêm một quyền khác với biển số thông thường là được quyền giữ lại biển số xe sau khi bán xe khiến cho kết quả trúng đấu giá sẽ không cao như kỳ vọng. Quy định như vậy sẽ không tạo ra thị trường biển số xe, người trúng đấu giá biển số xe sẽ không thể kinh doanh đối với "tài sản" là biển số xe đẹp của mình”.

Đồng thời, ông Cường cho rằng, nghị quyết này mới chỉ là thử nghiệm, thí điểm. Có thể trong tổ chức thực hiện sẽ có những điều chỉnh, làm cơ sở để ban hành các văn bản pháp lý tiếp theo để hoàn thiện.

Việc đưa ra những quy định cần phải hướng đến những mục tiêu cụ thể, trong đó đấu giá biển số xe sẽ mang lại một nguồn thu cho ngân sách nhà nước, tạo cơ hội cho những người có thú chơi biển số xe đẹp được cơ hội lựa chọn, đảm bảo thuận lợi trong công tác quản lý.

“Với những người có sở thích với biển số xe đẹp đôi khi chỉ cần mua biển số chứ không cần mua cái xe mà quy định như hiện nay trong dự thảo thì vẫn trông chờ vào may mắn mới được sử dụng biển số xe đẹp như ý, khi người khác đã trúng đấu giá hoặc đã được đăng ký lần đầu rồi mà muốn có biển số xe đẹp đó thì buộc phải mua cả xe lẫn biển, đây là vấn đề hạn chế của dự thảo lần này”, luật sư Cường cho biết.

Nêu quan điểm cá nhân, luật sư Cường cho rằng, cần mở rộng quyền của người trúng đấu giá biển số xe, trong đó có quyền được bán, chuyển nhượng. Quy định này sẽ tạo ra một thị trường có thể kinh doanh với biển số xe.

Giá khởi điểm biển số xe đưa ra đấu giá là bao nhiêu?

Theo dự thảo Nghị quyết, về xác định giá khởi điểm biển số đưa ra đấu giá, Chính phủ đề xuất mức lệ phí đăng ký cao nhất đang áp dụng tại địa phương nhân hệ số. Công thức tính được áp dụng thống nhất, giá khởi điểm là mức giá thấp nhất, được chia làm hai vùng. Vùng 1 gồm Hà Nội, TP HCM, giá khởi điểm là 40 triệu đồng; vùng 2 gồm các địa phương còn lại là 20 triệu đồng.

Khi hết thời hạn mà chỉ có một người đăng ký tham gia, một người tham gia cuộc đấu giá, một người trả giá, chấp nhận giá ít nhất bằng giá khởi điểm thì biển số được bán cho người đó.

Nguồn thu từ đấu giá, Chính phủ đề xuất sau khi trừ các khoản chi phí tổ chức theo quy định sẽ phân chia theo tỷ lệ 70% nộp vào ngân sách trung ương, 30% phân bổ cho ngân sách địa phương.

Không đấu giá biển số cấp cho xe mua sắm từ ngân sách nhà nước, xe quân đội…

Chính phủ đề xuất không đấu giá đối với biển số cấp cho xe mua sắm từ ngân sách nhà nước, xe của quân đội sử dụng vào mục đích quốc phòng, xe của doanh nghiệp quân đội làm kinh tế, xe của tổ chức doanh nghiệp nước ngoài, cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế và người nước ngoài làm việc trong cơ quan, tổ chức đó hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam.

Theo Đời sống
back to top