Bí quyết Đông y phòng ngừa cảm cúm

(khoahocdoisong.vn) - Đông y cho rằng để phòng tránh cảm mạo, bao gồm cả cảm mạo thông thường và cảm mạo dịch (còn gọi là cảm cúm, bệnh cúm...), cần phải thực hiện đồng thời nhiều biện pháp khác nhau.

Cảm mạo, cảm cúm là một nhóm bệnh truyền nhiễm phát sinh ở cả bốn mùa trong năm, nhưng thường gặp nhiều hơn vào hai mùa đông và xuân. Theo Đông y, nguyên nhân gây nên cảm mạo thường có hai yếu tố: Một là, chính khí (sức đề kháng) của cơ thể giảm sút; hai là, các tà khí (mầm bệnh) như phong, hàn, thấp, thử, nhiệt xâm nhập vào cơ thể; trong đó vai trò của chính khí là rất quan trọng.

Bởi vậy, với quan điểm "chính khí tồn nội, tà bất khả can” (cơ thể có đủ sức đề kháng thì mầm bệnh không thể xâm nhập và gây bệnh được), Đông y cho rằng để phòng tránh cảm mạo một cách hữu hiệu cần phải thực hành đồng thời nhiều biện pháp khác nhau.

1.Về sinh hoạt

- Cần chú ý giữ cho đời sống tinh thần, tình cảm luôn luôn cân bằng, lạc quan và thư thái. Cổ nhân cho rằng “điềm đạm hư vô, chân khí tòng lai”, ý muốn nói nói tâm hồn tình cảm thường xuyên khoáng đạt, bình thản không thấy quá thì sức khỏe sẽ đến và không bệnh tật nào có thể phát sinh được.

- Giữ nếp sinh hoạt hàng ngày điều độ, tránh làm việc quá sức, chú ý đảm bảo giấc ngủ, giữ gìn môi trường sống và vệ sinh cá nhân sạch sẽ, thuận theo sự biến đổi của khí hậu, thời tiết mà thay đổi nếp sinh hoạt cho phù hợp nhằm tăng cường khả năng thích ứng của cơ thể đối với môi trường tự nhiên
- Chú ý mặc ấm và giữ ấm vùng hầu họng nhất là khi thời tiết thay đổi và trong lúc ngủ ban đêm, nếu dùng điều hoà nên để ở nhiệt độ vừa phải. Nơi ở nên thông thoáng và tiếp xúc được nhiều với ánh sáng mặt trời.
 Trên mỗi mét vuông nhà có thể dùng 5ml giấm chua và 15g bạc hà cho vào nồi không đậy nắp, đóng hết các cửa rồi đun lên để xông, làm liên tục 3 ngày để ngăn ngừa được dịch cảm cúm. Hoặc có thể dùng các loại tinh dầu hương nhu, bạc hà, ngải cứu, thương truật, long não... phun xịt xông phòng để tiêu độc.
Có như vậy thì mới chủ động phòng tránh được tà khí xâm nhập và nâng cao sức đề kháng của cơ thể.

2. Về tập luyện

Thường xuyên ra ngoài hoạt động, không nên suốt ngày ở trong phòng kín, tuỳ theo tuổi tác và thể chất mà lựa chọn các phương pháp tập luyện thể dục thể thao, khí công dưỡng sinh, tự xoa bóp và day bấm huyệt...cho phù hợp. Để phòng ngừa cảm mạo có hiệu quả cao cần đặc biệt chú ý một số biện pháp sau đây:
- Tập thở theo phương pháp dưỡng sinh cổ truyền: Chọn tư thế ngồi hoặc nằm, lưỡi uốn chạm nhẹ vào hàm ếch, thả lỏng toàn thân tuần tự từ đầu, gáy, thân, tay, chân...Tập trung ý nghĩ vào huyệt đan điền (vùng dưới rốn). Tiếp đó, thở sâu bằng bụng theo nguyên tắc "sâu, dài, đều đặn và nhẹ nhàng", có nghĩa là khi hít vào thì bụng phình lên, khi thở ra thì bụng thót lại. Thở ra bằng miệng, hít vào bằng mũi.

Thời gian thở ra dài bằng 1 - 2 lần thời gian hít vào. Làm đều đặn mỗi ngày 2 lần vào sáng sớm và chiều tối. Khi mới tập mỗi lần làm 10 biến, sau đó tăng dần lên tuỳ theo tình trạng cụ thể của mỗi người.

- Mỗi ngày 2 lần vào sáng sớm ngủ dậy và trước khi đi ngủ tối, xoa hai bàn tay vào nhau cho nóng lên rồi xát dọc lồng ngực theo chiều lên xuống rồi khum bàn tay vỗ ngực, mỗi động tác 20 lần.
Tiếp đó, dùng hai ngón tay cái day ấn huyệt phong trì (ở chỗ lõm dưới xương chẩm, bên ngoài khối cơ nổi sau cổ, khi ấn có cảm giác tức nặng, mỗi bên một huyệt) trong 1 phút.

Tiếp tục, dùng ngón tay giữa hoặc ngón trỏ day ấn huyệt nghinh hương (từ chân cánh mũi ngang ra, huyệt ở trên rãnh mũi mép) trong 1 phút sao cho đạt cảm giác tê tức lan lên hai cánh mũi và gò má là được; dùng ngón cái bàn tay phải day ấn điểm đau nhất giữa hai ngón cái và ngón trỏ của tay trái (vị trí huyệt hợp cốc) trong nửa phút rồi ngược lại. Cuối cùng, dùng hai ngón tay giữa nhét vào hai lỗ mũi, nhẹ nhàng xoay tròn phải trái 200 vòng rồi vuốt dọc từ huyệt ấn đường (ở điểm giữa của đoạn nối hai đầu lông mày) xuống huyệt nghinh hương.
3. Về ăn uống

 Cần chú ý ăn uống điều độ, cân bằng, đủ chất và đảm bảo vệ sinh, không ăn nhiều đồ sống lạnh, không lạm dụng kem và nước đá, không để lâm vào tình trạng quá đói hoặc rối loạn tiêu hoá. Tuỳ theo điều kiện thời tiết và thể chất mà trọng dụng các loại rau quả, thực phẩm có tác dụng phòng ngừa cảm mạo như tía tô, kinh giới, hương nhu, gừng tươi, hành, tỏi, bạc hà, rau thơm, rau húng... Có thể sử dụng một số món ăn - bài thuốc (dược thiện) sau đây :
     - Mã thầy (rửa sạch, bỏ vỏ và thái mỏng) 40g, lê (rửa sạch,bỏ hạt và thái mỏng) 30g, gừng tươi 30g. Tất cả sắc hoặc hãm uống thay trà trong ngày.
- Tỏi không hạn chế số lượng, thường xuyên ăn hàng ngày hoặc ít nhất mỗi ngày ăn 2 tép tỏi.
- Tỏi 100g, gừng tươi 100g, giấm 500 ml. Gừng tươi rửa sạch thái mỏng, tỏi tách nhánh bỏ vỏ, cho cả hai thứ vào ngâm với giấm trong 30 ngày. Mỗi ngày, sau khi ăn uống 10 ml giấm thuốc hoặc ăn gừng và tỏi cùng với các món ăn với lượng vừa phải.
- Lá trà tươi 10g, gừng tươi bỏ vỏ 10 lát, hai thứ đem sắc hoặc hãm uống thay trà trong ngày.
- Tỏi to 1 củ, tách nhánh, bóc vỏ, thái mỏng rồi cho vào bình kín cùng với 300 ml nước lọc, sau 7 giờ cho thêm 30g đường phèn tán vụn, mỗi ngày 2 lần sáng và tối dùng nước thuốc này để súc miệng.
- Hoắc hương tươi 10g, lá tía tô tươi 10g, lá bạc hà tươi 10g, ba thứ rửa sạch đem sắc hoặc hãm uống thay trà.
- Cam thảo 3g, phòng phong 6g, hai thứ nghiền nhỏ, hãm với nước sôi uống thay trà trong ngày.
- Bạc hà tươi 60g, phục lan tươi 30g, hoắc hương tươi 30g, ba thứ rửa sạch, sắc hoặc hãm uống thay trà trong ngày.
- Quán chúng, hoàng cầm mỗi thứ 500g, kim ngân hoa 240g, cam thảo 120, tất cả phơi khô, tán vụn rồi chia thành nhiều túi, mỗi túi 20g, mỗi lần dùng 1 túi hãm uống thay trà. Loại trà này có thể dùng để phòng bệnh cho mọi người trong thời gian có dịch cảm cúm.
- Quán chúng và thương truật lượng bằng nhau, tán vụn, mỗi lần dùng 30g hãm uống thay trà.
- Hoắc hương, tử tô, kinh giới, bạc hà mỗi thứ 8g và lá trà 5g, tất cả đem sắc hoặc hãm với nước sôi uống thay trà.

BS Khánh Hiển (Bệnh viện T.Ư Quân đội 108)

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top