Những xoáy nước khổng lồ có diện tích hàng trăm km2. Ảnh minh họa
Theo các nhà nghiên cứu đến từ Đại học ETH Zurich (Thụy Sỹ) và Đại học Miami (Mỹ), một trong số những xoáy nước khổng lồ ở khu vực Nam Đại Tây Dương có kích thước thực tế tương đương những lỗ đen bí ẩn trong không gian. Điều này đồng nghĩa với việc, chúng cũng hút và “bắt nhốt” nước giống như cách thức các lỗ đen nuốt chửng ánh sáng.
Những xoáy nước khổng lồ này được các luồng nước cuốn tròn, bao quanh dày đặc đến mức không thứ gì bị hút vào mà có thể thoát ra được. Thống kê cho thấy, các “lỗ đen” như vậy xuất hiện ngày càng nhiều ở vùng biển phía Nam Đại Tây Dương, làm gia tăng việc luân chuyển nước mặn và ấm về hướng Bắc.
Các nhà khoa học đã vô cùng kinh ngạc khi khám phá ra sự tương đồng giữa các lỗ đen trong vũ trụ với những xoáy nước dữ tợn ở Đại Tây Dương. Chẳng hạn như, ở một khoảng cách tới hạn, một tia sáng không còn di chuyển theo đường xoắn ốc vào bên trong lỗ đen. Thay vào đó, tia sáng uốn cong đáng kể và trở lại vị trí ban đầu, tạo thành một quỹ đạo tròn. Bề mặt do các quỹ đạo ánh sáng khép kín tạo thành, được gọi là “mặt cầu photon” theo thuyết tương đối của Einstein.
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện những hàng rào khép kín tương tự quanh các xoáy nước đại dương. Trong những hàng rào này, các hạt chất lỏng cũng dịch chuyển đây đó theo các vòng khép kín, giống như đường đi của ánh sáng trong một mặt cầu phton.
Trước đó, các nhà nghiên cứu từng cảnh báo về những “vùng chết” thuộc Đại Tây Dương, nơi mà tỷ lệ oxy bão hòa cực kỳ thấp. Chúng được “ngụy trang” bằng các xoáy nước, có thể xoáy liên tục trong nhiều tháng. Một số có diện tích khổng lồ khoảng 260km, chúng di chuyển liên tục và theo mùa.
Tốc độ quay nhanh của xoáy nước khiến việc trao đổi oxy qua ranh giới giữa dòng nước quay và đại dương ở xung quanh khó khăn hơn. Động vật biển hoặc cá một khi rơi vào xoáy nước này sẽ chỉ còn hai lựa chọn, di chuyển để sống sót, hoặc đứng lại và chết.
Điều này có thể khiến các bờ biển bị ngập dưới lượng nước có oxy thấp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái ven biển, thậm chí có thể gây chết cá và làm chết hàng loạt sinh vật biển khác.
Thanh Nhàn (theo VietQ)