Bí ẩn ngọc tỷ truyền quốc đáng giá ngàn vàng của Tần Thủy Hoàng

Tần Thủy Hoàng là hoàng đế nổi tiếng trong lịch sử phong kiến Trung Quốc. Theo các ghi chép, ngọc tỷ truyền quốc có giá trị bằng 15 tòa thành biến mất bí ẩn. Đến nay, không ai rõ tung tích của bảo vật quý giá này.

Ngọc tỷ truyền quốc là dấu triện của hoàng đế Trung Quốc thời phong kiến. Bậc đế vương thường đóng dấu của ngọc tỷ trên các văn thư, chiếu chỉ quan trọng. Ngọc tỷ được truyền từ đời vua này sang đời vua khác của mỗi triều đại. Tần Thủy Hoàng cũng có ngọc tỷ truyền quốc nổi tiếng lịch sử.

Tương truyền, ngọc tỷ truyền quốc của Tần Thủy Hoàng được làm từ viên ngọc bích quý hiếm nhất thời bấy giờ là ngọc bích họ Hòa. Nguồn gốc của khối ngọc dùng làm ngọc tỷ liên quan đến người đàn ông nước Sở có tên Biện Hòa sống vào thời Xuân thu chiến quốc.

Biện Hòa nhặt được một viên đá ở trên núi và nhận ra đó chính là báu vật hiếm có trên đời. Do vậy, Biện Hòa tự mình dâng viên đá cho Sở Lệ Vương nhằm bày tỏ lòng cung kính. Tuy nhiên, nhà vua sai người kiểm tra xem đó có thực sự là ngọc quý hay không thì nhận được câu trả lời đó chỉ là hòn đá bình thường.

Vì tức giận nên Sở Lệ Vương bèn trừng phạt Biện Hòa bằng cách chặt chân trái và đuổi ra khỏi thành. Sau khi Sở Võ Vương lên ngôi hoàng đế, Biện Hòa một lần nữa dâng đá quý nhưng gặp tình huống như trước và bị chặt chân còn lại.

Khi Sở Văn Vương lên ngôi, Biện Hòa ôm hòn đá quý ngồi dưới chân núi Sở Sơn gào khóc 3 ngày 3 đêm đến mức chảy máu mắt. Biết được chuyện này, Sở Văn Vương phái người tìm hiểu ngọn ngành cũng như cho chuyên gia về ngọc kiểm tra thì xác định đó đúng là ngọc quý. Nhờ vậy, nỗi khổ của Biện Hòa được làm sáng tỏ. Tuy nhiên, lúc ấy, Biện Hòa đã chết. Vì vậy, Sở Văn Vương đặt tên cho khối ngọc quý là Hòa thị bích (hay Ngọc bích họ Hòa) và được coi là quốc bảo của nước Sở.

Về sau, Sở Văn Vương ban thưởng Hòa thị bích cho quan Lệnh doãn Chiêu Dương vì người này đã lập được công lớn cho nước Sở. Tuy nhiên, Chiêu Dương làm mất viên ngọc quý này và không tìm ra thủ phạm. Sau nhiều năm biệt tích, Hòa thị bích xuất hiện vào năm 283 trước Công nguyên. Nó trở thành quốc bảo của nước Triệu.

Câu chuyện về ngọc quý đến tai Tần Chiêu Tương Vương (cụ nội của Tần Thủy Hoàng). Do muốn sở hữu báu vật này nên nhà Tần gây sức ép với nhà Triệu và dùng 15 tòa thành để đổi lấy ngọc bích họ Hòa nhưng thực chất là chỉ muốn cướp ngọc về. Tuy nhiên, nhà Tần khi ấy vẫn không có được ngọc quý.

Phải đến năm 228 trước Công nguyên, quân đội nhà Tần đánh bại nước Triệu. Lúc này, Hòa thị bích rơi vào Tần Thủy Hoàng. Sau khi thống nhất Trung Hoa, Tần Thủy Hoàng cho thợ chế tác Hòa thị bích thành ngọc tỷ truyền quốc. Trên ngọc tỷ có khắc 8 chữ: "Thụ mạng ư thiên, ký thọ vĩnh xương" (có nghĩa: "Nhận lệnh trời ban, tồn tại mãi mãi").

Tuy nhiên, nhà Tần chỉ tồn tại trong thời gian ngắn bởi con trai Tần Thủy Hoàng là Tần Nhị Thế lên ngôi nhưng chỉ nắm quyền trong thời gian ngắn khi bị thái giám Triệu Cao giết. Về sau, ngọc tỷ truyền quốc của Tần Thủy Hoàng lần lượt rơi vào tay Lưu Bang, Tây Sở Bá Vương Hạng Vũ.

Khi Lưu Bang lập nên nhà Hán, ngọc tỷ truyền quốc của Tần Thủy Hoàng trở về tay ông hoàng này. Từ đó, ngọc tỷ được lưu truyền qua nhiều đời hoàng đế nhà Hán trước khi biến mất bí ẩn vào khoảng năm 907 - 960. Đến nay, không ai rõ tung tích của bảo vật quý hiếm này.

Theo Đời sống
back to top