Do vậy, việc nhận diện các dấu hiệu bệnh, thực hiện thăm khám phát hiện sớm và điều trị đúng chuyên khoa bằng các biện pháp phù hợp là việc làm vô cùng quan trọng đối với người bệnh parkinson để tránh những biến chứng không mong muốn xảy ra.
Nhận diện parkinson thông qua các triệu chứng bệnh
Run: Đây là một trong những biểu hiện hay gặp nhất của bệnh nhân Parkinson. Người bệnh có triệu chứng run ở ngọn chi, môi, lưỡi… Run tăng lên khi tập trung quá mức hoặc xúc động. Khi người bệnh đi ngủ hoặc vận động, dấu hiệu Parkinson này sẽ tạm thời biến mất và tái diễn ngay sau đó.
Giảm khả năng vận động: Thao tác của người bệnh kém linh hoạt, hoạt động chậm chạp, bước đi ngắn, khó khăn khi thay đổi tư thế như quay đầu, quay người…
Co cứng cơ: Điều này làm cho người bệnh khó khăn khi thực hiện các động tác theo như ý muốn. Co cơ tại vị trí vai, lưng hoặc cổ gây ra tình trạng đau nhức mạn tính cạnh cột sống. Co cơ vùng mặt làm giảm khả năng biểu đạt cảm xúc (nét mặt thiểu động).
Giảm khả năng thăng bằng: Do các nhóm cơ gấp bị tăng trương lực làm cho cơ thể luôn trong tư thế gấp về phía trước, người bệnh dễ bị ngã nếu bị đẩy, tác động từ phía sau.
Rối loạn đường tiêu hóa: Nuốt khó, táo bón
Sa sút trí tuệ: Khoảng 1/3 người bệnh Parkinson có biểu hiện sa sút trí tuệ, khiến người bệnh giảm khả năng ngôn ngữ, suy giảm nhận thức về không gian, thời gian.
Rối loạn giấc ngủ, rối loạn tâm thần, trầm cảm, lo âu, thay đổi tính cách cũng là những triệu chứng thường gặp ở người bệnh parkinson.
Bên cạnh những dấu hiệu, triệu chứng kể trên, việc nhận diện và chẩn đoán bệnh Parkinson cần thông qua việc thăm khám lâm sàng bởi bác sĩ chuyên khoa và thực hiện các xét nghiệm chụp chiếu nhằm loại trừ hội chứng Parkinson thứ phát như: thoái hóa thần kinh, do nhiễm khuẩn (viêm não), do nhiễm độc (trong đó có một số thuốc an thần kinh…), do chấn thương, do tổn thương mạch máu não (đột quỵ, đái tháo đường, vữa xơ mạch não, tăng huyết áp)…
Một số dấu hiệu nhận diện người bệnh parkinson |
Biến chứng của bệnh parkinson
Parkinson là bệnh mạn tính tiến triển nặng dần và gây ra nhiều biến chứng. Dưới đây là một số biến chứng phổ biến:
Suy mòn, suy kiệt do chức năng đường tiêu hóa kém, kém hấp thu, táo bón kéo dài làm người bệnh đầy bụng, chán ăn. Ngoài ra, run nhiều cũng gây tiêu hao nhiều năng lượng.
Thiếu Vitamin D do dinh dưỡng kém, kết hợp ít vận động, dễ gây loãng xương.
Dễ ngã do mất thăng bằng, kết hợp với loãng xương, dễ gây hậu quả gãy xương, đặc biệt gãy cổ xương đùi.
Viêm phổi: Khi người bệnh suy kiệt, co cứng cơ làm giảm khả năng ho khạc, nằm nhiều nên có thể gây ra biến chứng viêm phổi. Biến chứng này hay gặp trong giai đoạn nặng của bệnh.
Điều trị đúng để hạn chế biến chứng của bệnh parkinson.
Ngoài việc thăm khám theo đúng chuyên khoa để được phát hiện và điều trị kịp thời thì để tránh những biến chứng và hậu quả không mong muốn, người bệnh parkinson cần chú ý:
Tuân thủ điều trị theo đúng phác đồ của bác sĩ đưa ra.
Duy trì lịch theo dõi, kiểm tra sức khỏe để được điều trị kịp thời bằng các biện pháp phù hợp.
Khi đi lại cần đi chậm, bước dài chân, có thể dùng các dụng cụ hỗ trợ đi lại để tránh ngã.
Tăng cường dinh dưỡng, các thực phẩm mềm, dễ nuốt, dễ tiêu, giàu vitamin, nhất là vitamin D, uống nhiều nước.
Hạn chế nhiễm trùng hô hấp: giữ ấm đường thở, tăng cường sức đề kháng.
Người dân khi gặp các triệu chứng, biến chứng của bệnh hoặc những diễn biến bất thường cần đi khám sớm.