Bệnh đái tháo đường týp 2 đang tấn công trẻ em

(khoahocdoisong.vn) - Nếu như trước kia đái tháo đường chỉ xuất hiện trong độ tuổi trên 40 tuổi, dần xuất hiện trong độ tuổi 30 thì đến nay căn bệnh này đang tấn công cả trẻ em. Đây là mối nguy cơ dẫn đến sự trẻ hóa bệnh đái tháo đường cực lớn về sau.

Trong 1 nghiên cứu năm 2020 của Bệnh viện Nội tiết T.Ư trên trẻ em từ 11 - 14 tuổi đã phát hiện 1/2.880 trẻ mắc đái tháo đường týp 2, chiếm 0,035%. Bên cạnh đó, tỷ lệ rối loạn đường huyết lúc đói của trẻ lên đến 6,1%.

Đái tháo đường týp 2 đang len lỏi trong cả trẻ em. (Ảnh minh họa)

Đái tháo đường týp 2 đang len lỏi trong cả trẻ em. (Ảnh minh họa)

Những cảnh báo này đã được các chuyên gia đưa ra trong mít tinh hưởng ứng ngày Đái tháo đường thế giới với chủ đề “Sống khỏe với Đái tháo đường” vừa được Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC) phối hợp Hội Y tế Công cộng tổ chức tại TPHCM.

Theo báo cáo của Hiệp hội Đái tháo đường thế giới IDF Diabetes Atlas mới nhất, trên thế giới có 415 triệu người lớn (từ 20 - 79) đang sống với bệnh đái tháo đường, dự đoán con số này sẽ gia tăng tới khoảng 642 triệu người. Tại Việt Nam đã có khoảng 3,8 triệu người mắc bệnh vảo năm 2019 và con số này được dự báo sẽ tăng lên 6,1 triệu vào năm 2040. Theo một tổng điều tra toàn quốc tại Việt Nam, có đến 12 triệu người đang được chẩn đoán tiền đái tháo đường. Khoảng 5 - 10% người bị tiền đái tháo đường tiến triển thành đái tháo đường hàng năm và gần như 70% sẽ bị đái tháo đường trong tương lai nếu không có các biện pháp can thiệp kịp thời.

BSCKI Nguyễn Thị Ánh Vân, HCDC cho biết, hậu quả của bệnh đái tháo đường đã khiến mỗi năm tăng thêm 4,6% ca suy tim, 2,4% ca đột quỵ, 1,1% ca bị đoạn chi, 1,2% ca bị suy thận, 0,8% ca mù mắt...

Theo BSCKII Hồ Đắc Phương, Phó khoa Nội tiết, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, TPHCM, dấu hiện nghi ngờ đái tháo đường là ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều và sụt cân. Xét nghiệm đường huyết định kì để phát hiện sớm bệnh đái tháo đường, phòng ngừa các biến chứng.

Các trường hợp mắc bệnh đái tháo đường týp 2 có thể phòng ngừa được thông qua hoạt động thể chất thường xuyên và chế độ dinh dưỡng lành mạnh. Ăn uống và vận động hợp lý còn giúp phòng chống các bệnh mạn tính khác như cao huyết áp, tim mạch...

”Vì vậy, hãy tập thể dục khoảng 30 phút mỗi ngày, năng động trong mọi hoạt động. Ăn đa dạng trên 20 loại thực phẩm mỗi ngày, cung cấp đủ 40 chất dinh dưỡng thiết yếu... Ăn chừng mực là không ăn nào quá no, không để quá đói; không ăn thức gì quá nhiều... Thức ăn nguyên vẹn, gần với thiên nhiên, ít bị mất đi các thành phần dinh dưỡng”, BSCKII Hồ Đắc Phương khuyên.

Thực đơn một ngày nên bao gồm: Thịt (50 - 100g), cá (50 - 100g), đậu hũ (100g), trứng (1/2 - 1 quả), trái cây (>200g), đậu đỗ (50g), 1 phần gạo có thể thay bằng khoai củ, bắp...

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top