Mới đây, Công ty CP Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, mã: HAG) đã không hoàn thành đợt phát hành 162 triệu cổ phiếu riêng lẻ với mức giá 10.500 đồng/cp, dự kiến huy động được là gần 1.700 tỷ đồng. Nguyên nhân khiến đợt phát hành không thành công do các nhà đầu tư đã từ chối mua.
Quan sát biến động mã HAG cho thấy, 3 tháng gần đây cổ phiếu của HAGL có thời điểm rơi xuống thấp nhất 7.300 đồng và trên sàn giao dịch chốt phiên 19/4, giá cổ phiếu HAG ở mức 8.150 đồng/cp, giảm 15% so với đỉnh ngắn hạn phiên 19/1 và giảm 51% so với đỉnh lịch sử 16.650 đồng/cp phiên 17/1/2022.
|
15 năm cổ phiếu HAG lên sàn, Bầu Đức đã nếm đủ thăng trầm của thị trường. |
Hiện mã HAG cũng đang thuộc diện cảnh bảo (kể từ ngày 11/10/2022) do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là con số âm. Khoảng 15 năm tham gia thị trường chứng khoán, ông Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức) và mã cổ phiếu HAG có nhiều thăng trầm.
Lúc lên voi
Năm 2008, Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai bắt đầu niêm yết 179.814.501 cổ phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) với mã cổ phiếu HAG. Trong thời gian ngắn, cổ phiếu HAG lên đỉnh đưa HAGL trở thành trong những doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất Việt Nam. Năm 2008, bầu Đức trở thành người giàu nhất trên TTCK Việt Nam khi tổng giá trị cổ phiếu nắm giữ lên đến gần 6.160 tỷ đồng, bỏ xa người thứ hai trong danh sách là ông Phạm Nhật Vượng chỉ có 5.225 tỷ đồng.
Cũng trong năm 2008, Bầu Đức là doanh nhân đầu tiên mua máy bay riêng. Ông Đức đã bỏ 5,1 triệu USD mua chiếc máy bay hãng Beechcraft King Air 350, nhưng tổng số tiền Bầu Đức phải chi dành cho các khoản đi kèm lên đến 7 triệu USD, một con số cực “khủng” thời điểm năm 2008. Tính đến ngày 31/12/2008, tổng tài sản của HAGL đạt hơn 8.871,56 tỷ đồng, tăng 40% so với đầu năm 2008.
Kết thúc ngày giao dịch 13/2/2009, giá cổ phiếu HAG ở mức 58.500 đồng, tăng 21,87% so với ngày “chào sàn” (22/12/2008). Giá trị vốn hóa thị trường tính theo số cổ phiếu đang lưu hành thời điểm đó của công ty đạt 10.519 tỷ đồng.
Với việc sở hữu hơn 55% số cổ phiếu HAG năm 2009, Bầu Đức trở thành người giàu nhất sàn chứng khoán Việt với tài sản hơn 11.400 tỷ đồng.
|
Thống kê trên VNexpress năm 2014. |
Có thể nói năm 2008 - 2009, là đỉnh cao sự nghiệp của Bầu Đức cũng như cổ phiếu HAG. Đến cuối năm 2009, thị trường kém khả quan. Đã có lúc “ông trùm” sàn chứng khoán Việt Nam thời bấy giờ rơi vào tình trạng khủng hoảng, sự nghiệp của Bầu Đức bắt đầu rơi vào “nốt trầm”.
Khi xuống đáy
Sau thành công trên sàn chứng khoán, giai đoạn 2009 - 2013, Bầu Đức đẩy mạnh đầu tư hàng tỷ USD ra nước ngoài. Nhiều nhất là Lào, Campuchia và Myanmar.
Năm 2013 và 2014, doanh thu của công ty lập tức sụt giảm mạnh khi cao su rớt giá, trong khi vay nợ của HAGL vẫn ở mức cao, thanh khoản công ty gặp khó khăn. Hàng chục nghìn tỷ đồng đổ vào cao su khi giá đang ở đỉnh 5.000 USD/tấn nhưng đến khi thu hoạch thì giá chỉ còn 1.000USD.
Khó khăn bủa vây, năm 2013, Bầu Đức tuyên bố rút lui khỏi thị trường bất động sản Việt Nam, tái cấu trúc toàn bộ tập đoàn, thoái vốn và thu hẹp ngành khai khoáng, thủy điện... chỉ đầu tư vào hai mảng chủ đạo là nông nghiệp và bất động sản tại Myanmar.
Từ năm 2010-2013, Bầu Đức mất vị trí người giàu nhất sàn chứng khoán vào tay ông Phạm Nhật Vượng. Tính đến phiên giao dịch ngày 20/12/2023, cổ phiếu HAG rơi về 20.900 đồng/cp so với 58.500 đồng/cp tháng 2/2009.
Giai đoạn 2015 - 2016, cổ phiếu HAG liên tục tìm đáy, có thời điểm chỉ bằng “bó rau” 4.930 đồng/cp. Kinh doanh thiếu hiệu quả, tổng nợ vay vì thế cũng lớn dần lên. Tính tới cuối năm 2015, tổng nợ phải trả của HAGL lên tới gần 33.000 tỷ đồng, Bầu Đức rơi vào vòng xoáy nợ nần, thậm chí đứng trước nguy cơ phá sản.
Năm 2019, Bầu Đức quyết định chuyển nhượng toàn bộ công ty nông nghiệp và mảng kinh doanh bất động sản, trong đó có Khu phức hợp Yangon tại Myanmar – dự án BĐS quy mô lớn cuối cùng của HAGL cho doanh nhân Trần Bá Dương. Nợ vay của HAGL vì vậy giảm đi hàng chục nghìn tỷ đồng.
Sau nhiều lần cắt bỏ các mảng kinh doanh chính như cao su, bất động sản, thủy điện, mía đường… cấu trúc doanh nghiệp của HAGL được tinh lọc và trở nên gọn nhẹ đáng kể, chỉ còn 10 công ty con (trước đây là 50).
Năm 2021, HAGL báo lãi 128 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với khoản lỗ hàng nghìn tỷ đồng của 2 năm 2019 và 2020. Trong 11 tháng đầu năm 2022, HAGL báo lãi ròng lên tới 1.115 tỷ đồng, tăng mạnh so với cùng kỳ và hoàn thành 99% kế hoạch năm 2022, đây cũng là lần đầu tiên lợi nhuận HAGL vượt ngưỡng 1.000 tỷ đồng kể từ 2014.
|
Nguồn: Hội Phát triển hợp tác kinh tế Việt Nam - ASEAN |
Thanh khoản của Hoàng Anh Gia Lai chưa được cải thiện đáng kể
Theo công bố kết quả kinh doanh năm 2022, Hoàng Anh Gia Lai báo cáo lợi nhuận 1.181 tỷ đồng. Doanh thu năm vừa qua đạt hơn 5.000 tỷ đồng, tăng 140% so với 2021 cùng với việc hai mảng kinh doanh chính được định hình gồm trồng chuối và nuôi heo. Thế nhưng khoản lợi nhuận ròng của Hoàng Anh Gia Lai lại đến từ việc hoàn nhập các khoản dự phòng đối với khoản phải thu.
Cụ thể, HAGL có lợi nhuận gộp gần 1.200 tỷ đồng và doanh thu từ hoạt động tài chính gần 500 tỷ đồng trong năm qua. Tuy nhiên, chi phí tài chính của công ty cũng lên tới hơn 1.600 tỷ đồng.
Nếu trừ đi cả chi phí bán hàng, lợi nhuận gộp của Hoàng Anh Gia Lai không đủ trang trải cho các hoạt động của doanh nghiệp. Và nếu không có khoản hoàn nhập dự phòng gần 1.600 tỷ đồng, tập đoàn của ông bầu bóng đá Đoàn Nguyên Đức đã không có lãi.
Bên cạnh đó, tính tới cuối năm 2022, Hoàng Anh Gia Lai vẫn nợ gần 8.300 tỷ đồng, không thay đổi so với một năm trước.
Song song với việc mở rộng hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp của bầu Đức tăng vay nợ ngắn hạn, từ 500 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng. Trong đó, Sacombank tăng mức cho vay đối với HAGL lên hơn 700 tỷ đồng. Ngoài ra, VPBank cũng tài trợ vốn ngắn hạn gần 300 tỷ đồng cho tập đoàn này.
Đối với các khoản vay bằng trái phiếu, năm vừa qua Hoàng Anh Gia Lai đã tất toán sớm một phần nợ nhưng hiện vẫn còn hơn 5.700 tỷ đồng phải trả, trong đó có 300 tỷ đồng trái phiếu do ACBS thu xếp phát hành sẽ đáo hạn vào tháng 6/2023.
Hoàng Anh Gia Lai còn 1.200 tỷ đồng nợ vay dài hạn với danh sách chủ nợ gồm các ngân hàng Eximbank, TPBank, Lao-Viet Bank, Sacombank. Đồng thời vay một số tổ chức, cá nhân bên ngoài với số tiền hơn 300 tỷ đồng.
Theo tờ Dân trí: "Kết thúc 2022, tổng tài sản của Hoàng Anh Gia Lai đạt gần 20.000 tỷ đồng. Trong đó, tài sản ngắn hạn chiếm gần 8.200 tỷ đồng, chủ yếu là khoản phải thu (6.900 tỷ đồng) và hàng tồn kho (1.100 tỷ đồng). Tài sản ngắn hạn của Hoàng Anh Gia Lai vẫn thấp hơn nợ ngắn hạn (8.970 tỷ đồng), cho thấy tình hình thanh khoản của công ty chưa được cải thiện đáng kể".