Bát quái trận của Khổng Minh Gia Cát Lượng

Các nhà nghiên cứu lịch sử quân sự cho rằng, uy lực của Bát quái trận chính bố cục theo phương hướng, biến hóa khôn lường, khi tách, khi hợp...

Khổng Minh Gia Cát Lượng là nhà chính trị, nhà quân sự kiệt xuất của Trung Quốc thời Tam Quốc. Ông thấu hiểu trời đất, dụng binh như Thần, sáng chế ra nhiều loại vũ khí và vật dụng khiến người đời nể phục.

Bát quái trận của Gia Cát Lượng được tương truyền rằng có uy lực kinh hoàng đủ để chiến thắng trăm nghìn quân binh.

“Bát trận đồ” không phải là phát minh độc quyền của Gia Cát Lượng nhưng ông chính là người đưa trận pháp này lên tầm huyền thoại với đầy đủ tinh hoa nghệ thuật dụng binh. Các nhà nghiên cứu lịch sử quân sự cho rằng, uy lực của “Bát trận đồ” chính là bố cục theo phương hướng, biến hóa khôn lường, khi tách, khi hợp.

Hình thế của trận này dựa trên nguyên lý “Bát quái” với 8 cửa: Hưu, Sinh, Thương, Đỗ, Ảnh, Tử, Cảnh, Khai. Các cửa Sinh, Cảnh, Khai được gọi là “cửa cát” (cửa tốt), còn lại Hưu, Thương, Đỗ, Tử, Ảnh chính là “cửa hung” (cửa xấu).

Trong một trận đồ điển hình, toàn trận có thể huy động 14 ngàn kỵ binh, cứ 50 người thành 1 đội hình, tất cả gồm 280 đội. Bộ binh có 10 ngàn người, chia đều thành 200 đội. Mỗi đội bộ binh chiếm 10 thước trong trận đồ.

Tùy theo tình hình cụ thể, “Bát trận đồ” có thể biến hóa khôn lường, làm quân địch mất phương hướng.

Ngoài ra, ở bên trong Bát quái trận người ta còn có thể bố trí các loại vật liệu đặc biệt như đá, xe lương thực tạo chướng ngại vật, ngăn cản kỵ binh địch tấn công. Sau khi địch lọt vào trận, quân sĩ bên trong sẽ dùng cung, tên, mâu, kích để đả thương, tấn công địch. Trận đồ này là cơn ác mộng với các đội quân kỵ binh trang bị nhẹ.

Đặc điểm của Bát quái trận cũng rất rõ ràng.

Một là “địch ở trong tối, ta ở ngoài sáng”, có thể đánh bất ngờ. Binh lính thi triển trận pháp đã được huấn luyện, biết rất rõ từng ngõ ngách trong trận pháp. Sau khi quân địch tiến vào sẽ ngỡ như lạc trong mê cung, bị tàn sát bất ngờ mà chưa kịp phản kháng.

Hai là kìm kẹp hành động của đối phương. Trong không gian hẹp, vũ khí có kích thước lớn và dài đương nhiên không thể sử dụng, địch không biết điều này. Thế là "chúng cầm vũ khí lớn, ta cầm vũ khí nhỏ, phát huy lợi thế linh hoạt của binh khí nhỏ để phản kích, đánh bại kẻ thù".

Ba là đánh vào tâm lý. Khi địch bị lạc vào thế trận sẽ không tránh khỏi sợ hãi, còn quân binh bên này đã thông thuộc địa hình nên hừng hực khí thế vì đã quen chiến thuật, đương nhiên sẽ chiếm ưu thế. Ai cũng biết rằng tâm lý rất quan trọng trong chiến thuật.

Không khó để thấy rằng, việc bày binh bố trận của Gia Cát Lượng không chỉ là ứng dụng binh pháp thông minh, mà còn là vận dụng lòng người./.

Theo Đời sống
back to top