9 tuổi đã bị bướu buồng trứng
Bé gái 9 tuổi, quê tại Buôn Mê Thuột. Thấy bụng con có khối bướu lớn, gia đình đưa bé đi khám. Kết quả xét nghiệm tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM cho thấy, bệnh nhân bị buồng trứng to, phải phẫu thuật cắt phần phụ mang bướu.
Khi được lấy ra, khối bướu có kích thước 10cm, bên trong chứa chất bã, lông tóc, nghi bướu quái buồng trứng.
BS CK 2 Nguyễn Văn Tiến, Trưởng Khoa Ngoại 1, BV Ung bướu TPHCM cho biết, bệnh nhân cần đưa đi xét nghiệm giải phẫu bệnh để xác định bướu quái lành hay ác tính. Nếu là ác tính thì cần được hóa trị sau đó.
Cũng cùng thời điểm, Bệnh viện Ung bướu TPHCM tiếp nhận nữ bệnh nhân 26 tuổi quê Bạc Liêu. Hai tuần trước khi nhập viện, bệnh nhân thấy ra huyết âm đạo bất thường. Bệnh nhân được bệnh viện địa phương chuyển lên tuyến trên.
Sau khi tiến hành các xét nghiệm, các BS đã bất ngờ khi bệnh nhân bị ung thư nội mạc tử cung (ở thân tử cung, một trong các dạng ung thư tử cung) giai đoạn 3.
BS Nguyễn Văn Tiến động viên nữ bệnh nhân trước khi bệnh nhân lên bàn mổ. Ảnh Giadinh.net |
Bệnh nhân còn có cơ địa béo phì, nặng 110kg, vòng bụng rất lớn và bệnh tiểu đường. Bệnh nhân đã được phẫu thuật cắt rộng tử cung, hai phần phụ, nạo vét hạch chậu hai bên.
BS Nguyễn Văn Tiến cho biết, những năm gần đây, tỷ lệ người trẻ mắc ung thư dưới 30 tuổi đang tăng lên báo động.
Cụ thể, tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM, năm 2017 ghi nhận có 89 trường hợp ung thư vòm họng-lưỡi-hốc miệng, 69 trường hợp ung thư cổ tử cung, 30 trường hợp ung thư vú dưới 30 tuổi.
Những dấu hiệu và triệu chứng ung thư ở người trẻ
BS Nguyễn Văn Tiến cho biết, có nhiều lý do mà ung thư ở người trẻ tuổi không được phát hiện kịp lúc.
Đôi khi những triệu chứng sớm của ung thư trùng lắp với những bệnh lý hay chấn thương phổ biến hơn.
Người trẻ có thể cảm thấy kiệt sức, mệt mỏi, hay có chỗ sưng lên, hoặc vết bầm tím che đi những triệu chứng sớm của ung thư.
Nhưng điều quan trọng là cần lưu ý những triệu chứng và dấu hiệu thường gặp của ung thư.
Đó là: Một khối u hay chổ sưng lên bất thường, nhất là ở vùng cổ, ngực, bụng hay tình hoàn. Mệt mỏi không rõ nguyên nhân và uể oải. Dễ bị bầm tím; Chảy máu bất thường.
Đau liên tục ở một phần của cơ thể; Sốt hay bệnh không rõ nguyên nhân mà không hết. Đau đầu thường xuyên, đôi khi kèm nôn ói. Đột ngột giảm thị lực; Ăn không ngon hay sụt cân không rõ nguyên nhân.
Một nốt ruồi hay đốm mới trên da, hay nốt ruồi thay đổi kích thước, hình dạng hay màu sắc.
Nên nhớ rằng có triệu chứng này cũng có thể gây ra bởi những bệnh lý khác. Tuy nhiên nên đi khám khi bạn có những triệu chứng này, đặc biệt khi nó không hết hay nặng thêm.
Tại Việt Nam, xuất độ ung thư ở trẻ em dưới 15 tuổi là 108,4/1 tr dân. Trong đó, bệnh bạch cầu là 33,4/1 tr dân và bệnh ung thư khác là 75 / 1 tr dân. Xuất độ này là khá cao so với các nước đang phát triển khác.
Vậy đâu là nguyên nhân gây ung thư ở những người trẻ? Các bác sĩ nhận định, hầu hết ung thư ở người trẻ đều không có nguyên nhân gây bệnh rõ ràng, nên khó có thể phòng ngừa hết được.
Tuy nhiên, theo BS Tiến, có những điều bạn có thể làm để giảm nguy cơ bị ung thư.
Thứ nhất, đó là hạn chế các yếu tố nguy cơ liên quan đến lối sống không lành mạnh và ô nhiễm môi trường
Ví dụ, không hút thuốc lá (bố mẹ không nên hút thuốc lá tránh ảnh hưởng đến con). Tập luyện thường xuyên để có và giữ cân nặng hợp lý.
Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời và nằm trong các máy tắm nắng.Hạn chế số bạn tình và thực hành tình dục an toàn, để làm giảm nguy cơ nhiễm HPV và HIV.
Chế độ ăn: tăng chất xơ, giảm chất béo, giảm muối, giảm aflatoxin, tăng carotene. Kiểm tra radon, amiang ở nơi ở, nơi làm việc.