Cẩn trọng với bánh vỉa hè, bánh bán trực tuyến…
TS Ngô Thị Ngọc Hà, Phó Viện trưởng Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam cho biết, Bộ KH&CN vừa ban hành bộ tiêu chuẩn về bánh Trung thu trong đó quy định các chỉ tiêu cảm quan, độ ẩm, chỉ tiêu dinh dưỡng (chất béo, đường), tro không tan trong axit, trị số peroxit, một số độc tố vi nấm và vi sinh vật. Về các chỉ tiêu an toàn thực phẩm, các vi sinh vật và độc tố từ vi sinh vật (chủ yếu là độc tố vi nấm) là các mối nguy hiện hữu trong sản phẩm bánh nướng, bánh dẻo, các vụ ngộ độc bánh qua thống kê và xét nghiệm đều từ các nguyên nhân này. Các nguyên liệu chế biến bánh theo Luật An toàn thực phẩm đều phải đảm bảo các chỉ tiêu an toàn thực phẩm, bao gồm cả kim loại nặng.
Thị trường bánh Trung thu hiện rất đa dạng, từ các doanh nghiệp lớn đến các hộ kinh doanh nhỏ lẻ đều có thể sản xuất và bán bánh. Thậm chí trên thị trường online bán rất nhiều loại bánh Trung thu không nhãn mác, không công bố chất lượng (hàng nhập lậu từ nước ngoài, hàng sản xuất bởi các hộ gia đình nhỏ lẻ). Theo TS Ngô Thị Ngọc Hà, thông thường, người tiêu dùng khi mua sản phẩm bánh thường quan tâm nhất đến chỉ tiêu cảm quan của sản phẩm. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi được sử dụng sản phẩm có chất lượng và an toàn thực phẩm, nên lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc, chất lượng được đảm bảo thể hiện qua việc có thương hiệu, thời hạn sử dụng, chỉ tiêu dinh dưỡng, chỉ tiêu liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm ghi trên nhãn theo quy định…
Mỗi mùa Trung thu đến, các sạp hàng bán bánh trung thu tự phát được mở ra rất nhiều trên các tuyến đường, tuyến phố. Loại bánh này có an toàn để sử dụng? “Điều kiện bảo quản, bày bán sản phẩm cũng rất quan trọng, sản phẩm xuất xưởng có chất lượng tốt nhưng bày bán trên các hè phố nóng và bụi sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng bánh và không ai có thể đảm bảo về an toàn thực phẩm trong trường hợp này. Đối với bánh mua bán trực tuyến, người mua càng cần phải cân nhắc lựa chọn bởi rủi ro rất lớn. Để chọn được loại bánh trung thu đảm bảo chất lượng thì nên tránh các yếu tố nêu trên, chọn loại bánh có xuất xứ rõ ràng, thương hiệu đảm bảo”, TS Ngô Thị Ngọc Hà cho biết.
Kiểm tra bánh trước khi mua
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học – Công nghệ Thực phẩm, về cảm quan, bánh Trung thu ngon, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thường có mặt bánh vàng đều, da bánh mỏng, nhân khi cắt ra không bị vụn. Nên mua bánh Trung thu ở các cơ sở có tên tuổi đã có sự giám sát, kiểm tra của cơ quan y tế và phải xem xét kỹ nhãn mác của bánh phải ghi đầy đủ ngày sản xuất, thời hạn sử dụng. Bánh Trung thu để lâu hoặc ở môi trường nóng, ẩm rất dễ bị mốc, hư hỏng nên cũng phải kiểm tra trước khi mua dù thời hạn sử dụng vẫn còn. Không mua, không sử dụng bánh không nhãn mác. Chỉ ăn bánh không bị dập nát biến dạng, bao bì không rách nát, không có màu sắc khác thường, không bị thiu, ẩm mốc, hư hỏng và không có mùi khác lạ.
TS Từ Ngữ, Tổng Thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam khuyên nên mua các loại bánh có nhân rõ ràng, quan sát được chúng là nguyên liệu gì, trứng muối, dăm bông, lạp xườn hay đậu xanh… Không nên mua những loại bánh mà không nhận biết được nhân làm bằng gì do đã được nghiền nhuyễn ra trộn cùng phụ gia, đó có thể là những nguyên liệu kém chất lượng.