Huyệt thiên khu nằm ở hai bên rốn, từ rốn đo ngang ra 2 thốn, mỗi bên một huyệt. Rốn chia bụng thành hai phần, phần trên rốn là “thiên”, phần dưới rốn là “địa”. Huyệt Thiên khu nằm ngang với rốn, được xem như là chốt điều hành chức năng thông.
Đây là một trong những huyệt vị quan trọng của đường kinh túc dương minh vị, có công dụng hoà vị thông tràng, kiện tỳ lý khí, điều kinh đạo trệ, thường được dùng để chữa các bệnh lý như viêm phúc mạc, viêm loét dạ dày hành tá tràng, viêm ruột cấp và mạn tính, liệt ruột, kiết lỵ, đau thắt lưng, kinh nguyệt không đều, hành kinh đau bụng... và táo bón.
Vì vậy, khi bị táo bón, đặt hai ngón tay cái vào hai huyệt, các ngón còn lại ôm lấy thân mình, tiến hành vừa day vừa bấm với một lực tương đối mạnh trong 2 phút. Nếu đại tiện chưa thông thoáng có thể tiến hành vài ba lần như vậy.
Để nâng cao hiệu quả trị liệu, có thể kết hợp day bấm thêm hai huyệt đại chuỳ và chi câu.
Cách xác định huyệt đại chuỳ: cúi đầu, phần dưới cột sống cổ sẽ nổi lên 1 - 3 u xương tròn, đặt lên mỗi u xương một ngón tay rồi tiến hành cúi, ngửa và quay đầu vòng tròn, đốt nào dưới ngón tay nhiều nhất là đốt sống cổ 7, huyệt nằm ở chỗ lõm ngay dưới dưới đầu mỏm gai đốt sống này.
Cách xác định huyệt chi câu: Xác định một điểm nằm ở trên nếp gấp của mặt sau khớp cổ tay, giữa gân cơ ruỗi chung ngón tay và gân cơ ruỗi riêng ngón út (phía trên thẳng với ngón nhẫn, gần mắt cá tay), từ điểm này đo lên trên 3 thốn là vị trí của huyệt, nằm ở khe giữa xương quay và xương trụ. Phương thức tác động: dùng ngón tay giữa hoặc ngón tay cái day bấm các huyệt với một lực vừa phải, sao cho đạt cảm giác căng tức là được, mỗi huyệt day trong 2 phút.
Ngoài việc thực hành ngay trong khi đi ngoài, mỗi ngày nên day bấm các huyệt theo cách thức như trên 2 lần vào sáng sớm khi ngủ dậy và buổi tối trước khi đi ngủ thì hiệu quả thu được sẽ nhanh chóng và chắc chắn hơn. Ngoài ra, nên thực hiện các biện pháp khác như thay đổi chế độ ăn, tập luyện khí công dưỡng sinh...
BS Khánh Hoàng (Hội Đông y Việt Nam)