Bác sĩ mách cách tránh các biến chứng do viêm mũi cấp tính

Viêm mũi cấp tính do thay đổi thời tiết không biết cách chữa trị dễ dẫn tới biến chứng: viêm xoang hàm, viêm thanh khí quản, viêm tai giữa... Do đó, cần biết cách phòng tránh, điều trị.

Viêm mũi cấp tính còn gọi cảm mạo là một bệnh khá phổ biến đặc biệt gặp nhiều ở trẻ em. Bệnh thường do virus gây ra, đặc biệt vào những lúc thay đổi thời tiết và lây truyền theo đường không khí qua các chất tiết của bệnh nhân (nước bọt, nước mũi).

Nhiều yếu tố gây bệnh

Có nhiều nguyên nhân gây viêm mũi cấp tính:

Do virus: Chiếm 70-80%, thường do Rhinovirus hoặc các loại virus như virus cúm, á cúm, Adenovirus, Coronavirus, Enterovirus, Myxovirus…

Do vi khuẩn: Các vi khuẩn dễ gây bội nhiễm là: trực khuẩn Haemophillus influenzae, phế cầu (Streptococcus pneumoniae), liên cầu tan huyết nhóm A (Streptococcus pyogennes).

Các yếu tố thuận lợi

- Ô nhiễm không khí: đặc biệt khói thuốc lá, bụi.

- Vệ sinh môi trường: nhà ở chật chội, thiếu vệ sinh, vườn trẻ quá đông chật chội.

- Do thời tiết thay đổi: lạnh ẩm kéo dài ...

- Bị cảm lạnh đột ngột, cơ thể suy yếu, kém dinh dưỡng.

- Yếu tố cơ địa (sức đề kháng yếu): đái tháo đường, dị ứng, suy gan thận...

- Trẻ đẻ non, suy yếu không được bú bằng sữa mẹ.

Biểu hiện: Toàn thân: Người mệt mỏi, có cảm giác ớn lạnh, nặng đầu; Sốt nhẹ hoặc gai sốt (trẻ em có thể có sốt cao); Chán ăn, đau cơ, đau lưng, mỏi chân tay và các khớp xương;

Chảy mũi: bệnh nhân ngứa mũi, hắt hơi, chảy nước mũi, lúc đầu chảy nước mũi trong mấy ngày sau chảy nước mũi dần đặc như lòng trắng trứng; Ngạt mũi: một hoặc hai bên, tăng lên về đêm làm bệnh nhân phải thở bằng miệng; Ho và rát họng; Ngửi kém: có thể giảm ít, hết khi khỏi bệnh.

Khám tai mũi họng: Niêm mạc mũi sung huyết toàn bộ, các cuốn mũi cương tụ đỏ, sàn mũi và khe dưới có nhiều dịch nhầy hay mủ, các khe cuốn xung huyết nhưng không có mủ. Đặt thuốc co mạch cuốn dưới còn co hồi tốt.

PGS.TS. Nguyễn Thị Ngọc Dinh thăm khám cho bệnh nhân

PGS.TS. Nguyễn Thị Ngọc Dinh thăm khám cho bệnh nhân

Điều trị

Nguyên tắc: Viêm mũi cấp tính là bệnh có thể tự khỏi nên điều trị triệu chứng là chính. Nghỉ ngơi, giữ ấm, nâng cao thể trạng, đảm bảo mũi thông thoáng; Theo dõi phát hiện sớm các biến chứng để điều trị thích hợp (dùng kháng sinh).

Cụ thể:Nghỉ ngơi, tránh lao động nặng.

Hạ sốt, giảm đau: paracetamol (biệt dược Efferalgan, Panadol...) paracetamol Trẻ em 60mg/kg/24 giờ, chia làm 3-4 lần, khoảng cách 6-8 giờ/lần, dùng đường uống hoặc đặt hậu môn, dùng trong 3-7 ngày (cho đến khi hết sốt).

Chống ngạt mũi: rỏ mũi bằng ephedrin 1 - 3%, sulfarin 1%, hít hơi bạc hà, dầu hoặc cồn menthol (không dùng cho trẻ nhỏ)

Chống chảy mũi: Argyrol 1 - 3% rỏ mũi ngày 4 lần. Thuốc kháng histamin: clopheniramin viên 4mg, trẻ em uống 1 viên/ngày, người lớn 2 viên/ngày vào buổi tối, dùng trong 7-10 ngày.

Chống ho: siro ho bổ phế ngày uống 4-6 thìa chia 2 lần, sáng và chiều.

Xông hơi nước nóng bằng các thuốc có tinh dầu thơm như bạc hà, khuynh diệp, tía tô, kinh giới, lá chanh.

Kháng sinh chỉ dùng khi có bội nhiễm (nếu có biến chứng nặng thì tuỳ theo biến chứng mà điều trị): Amoxicilin: Trẻ em đến 10 tuổi có thể dùng liều 125-250mg/lần cách 8 giờ một lần. Trẻ dưới 20kg thường dùng liều 20-40 mg/kg /ngày.

Thuốc kháng histamin: Clopheniramin viên 4mg, uống 1 viên/ngày (trẻ em) dùng trong 7-10 ngày.

Khí dung: kháng sinh, thuốc co mạch, cortison.

Xì mũi hay hút sạch các chất ứ đọng ở trong hốc mũi.

Chống ngạt mũi: rỏ mũi bằng ephedrin 1 - 3%, sulfarin 1%, hít hơi bạc hà, dầu hoặc cồn menthol (không dùng cho trẻ nhỏ).

Điều trị các biến chứng có chỉ định phẫu thuật hoặc thủ thuật (chích rạch màng nhĩ, mở khí quản...).

Tiến triển và biến chứng

Tiến triển Bệnh thường diễn biến trong vòng từ 5 đến 7 ngày rồi tự khỏi. Sau 3-4 ngày, bệnh nhân bớt xì mũi, nước mũi giảm dần rồi hết. Mũi sẽ trở lại như cũ. Nếu viêm mũi kéo dài trên 1 tuần mà không đỡ có thể bệnh nhân chuyển sang biến chứng do bị nhiễm khuẩn, nhưng nếu cơ thể suy nhược, bội nhiễm thêm thì có thể bệnh lan rộng.

Nước mũi tiếp tục chảy ngày một tăng kèm theo các triệu chứng khó chịu ở mũi xoang, khàn tiếng, chảy mủ tai thì cần kiểm tra xoang, thanh quản, phế quản và tai.

Biến chứng

Viêm xoang hàm: Bệnh nhân tiếp tục xì ra nước mũi vàng đặc hoặc xanh ngày càng nhiều, kèm theo đau đầu. Chụp phim: Blondeau và Hirtz có hình ảnh viêm xoang.

Viêm thanh khí phế quản: Bệnh nhân bị ho, khàn tiếng, khạc ra đờm nhiều kèm theo có tức ngực và khó thở nhẹ.

Viêm tai giữa cấp: Lúc đầu đau trong tai, đau sâu, đau theo mạch đập có thể kèm theo sốt 380-390C sau 2- 3 ngày dịch mủ nhầy chảy ra tai, đôi khi mủ màu xanh, màu vàng.

Cách phòng bệnh

- Tránh bị lạnh, ẩm đột ngột hay kéo dài.

- Nên tránh tiếp xúc những người bị cảm hay viêm mũi cấp tính.

- Mặc ấm khi ra ngoài trong mùa lạnh, tránh các nơi có gió lùa.

- Giữ vệ sinh mũi họng: Nhỏ mũi, súc họng nhất khi có các dịch lây đường hô hấp.

- Tránh các tác nhân kích thích như bụi, khí acid hay kiềm mạnh

- Điều trị triệt để các yếu tố nguyên nhân như các ổ viêm ở mũi họng (amiđan, VA), vẹo vách ngăn, quá phát cuốn mũi...

- Dùng văcxin dự phòng.

PGS.TS. Nguyễn Thị Ngọc Dinh (Nguyên Giám đốc bệnh viện Tai Mũi Họng TƯ)

Theo Đời sống
back to top