Mỗi loại ung thư đường tiêu hoá sẽ có biểu hiện và sự tiến triển cũng như mức độ ảnh hưởng khác nhau đối với từng bệnh nhân...
Ung thư đại trực tràng
Ung thư đại trực tràng, thường không có dấu hiệu cho đến khi bước vào giai đoạn nặng. Ung thư đại trực tràng được coi là căn bệnh nguy hiểm đối với sức khỏe tiêu hóa. Nó bắt đầu như những polyp lành tính ở đại tràng hoặc trực tràng, dần dần biến thành khối u ác tính. Mặc dù là căn bệnh nguy hiểm nhưng nếu phát hiện sớm có thể cải thiện đáng kể tỷ lệ sống sót.
Khám sàng lọc thường xuyên, chẳng hạn như nội soi là phương pháp kiểm tra sức khỏe cần thiết để tầm soát nguy cơ ung thư đại trực tràng. Ngoài ra, áp dụng chế độ ăn giàu chất xơ, trái cây và rau quả đồng thời hạn chế thịt chế biến sẵn và rượu có thể làm giảm đáng kể nguy cơ phát triển căn bệnh ung thư này.
Ung thư thực quản
Ung thư thực quản là căn bệnh nguy hiểm, tấn công niêm mạc thực quản một cách mạnh mẽ đến khi lan rộng ngoài tầm kiểm soát. Trào ngược axit dạ dày mãn tính, hút thuốc, uống rượu quá nhiều là những yếu tố nguy cơ gây ung thư thực quản.
Để chống lại căn bệnh này, mọi người phải chủ động điều chỉnh lối sống, bao gồm: không hút thuốc lá, hạn chế rượu bia, duy trì cân nặng khỏe mạnh, kiểm tra sức khỏe thường xuyên, để ý đến các dấu hiệu bất thường như khó nuốt, ợ nóng… để can thiệp kịp thời.
Ung thư đường tiêu hóa - Ảnh minh họa |
Ung thư tuyến tụy
Ung thư tuyến tụy ở giai đoạn đầu thường không có biểu hiện rõ ràng cho đến khi bệnh tiến triển đến giai đoạn nặng. Việc phát hiện bệnh sớm là điều rất khó khăn nếu không thường xuyên khám sức khỏe. Chính vì vậy, mỗi người cần phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa hiệu quả như: Bỏ thuốc lá, duy trì cân nặng hợp lý, xây dựng cho bản thân chế độ ăn uống cân bằng… để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh.
Ung thư gan
Ung thư gan xuất hiện do nhiễm trùng gan, viêm gan B hoặc C mãn tính, xơ gan và uống quá nhiều rượu. Khám sàng lọc định kỳ các bệnh nhiễm trùng viêm gan, tiêm vacxin viêm gan B và điều chỉnh lối sống như: hạn chế sử dụng chất kích thích, duy trì cân nặng hợp lý là những yếu tố then chốt trong việc ngăn ngừa căn bệnh ung thư chết người này.
Ngoài ra, việc nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc xét nghiệm chức năng gan thường xuyên ở người có nguy cơ cao cũng là điều kiện để phát hiện sớm và can thiệp kịp thời khi có bệnh.
Ung thư dạ dày
Cũng giống như các loại ung thư đường tiêu hóa khác, ung thư dạ dày thường có những biểu hiện không rõ ràng, dễ nhầm lẫn với những bệnh khác. Mặc dù nguyên nhân chính xác vẫn chưa rõ ràng nhưng các yếu tố như nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori, hút thuốc và chế độ ăn nhiều muối và thực phẩm chế biến sẵn sẽ làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày.
Áp dụng chế độ ăn nhiều trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt, cùng với hoạt động thể chất thường xuyên, có thể củng cố khả năng phòng vệ của chúng ta trước kẻ rình rập thầm lặng này.
Ngoài ra, thường xuyên khám sức khỏe định kỳ để phát hiện nguyên nhân của những triệu chứng như khó chịu ở bụng, sụt cân ngoài ý muốn hoặc xuất huyết tiêu hóa có thể đẩy nhanh việc chẩn đoán và điều trị.
Để phòng ngừa ung thư đường tiêu hóa, mọi người nên hạn chế ăn nhiều thịt, chất béo có nguồn gốc từ đạm động vật; bổ sung đầy đủ chất xơ từ lúa mạch, trái cây, rau tươi, các vitamin E, C, và A …và duy trì chế độ sinh hoạt năng động, luyện tập thể dục thường xuyên.
Các chuyên gia khuyến cáo, những người có tiền sử viêm đại tràng, dạ dày mạn tính, trong gia đình có người thân từng mắc ung thư đường tiêu hóa (thực quản, dạ dày, đại tràng), hoặc khi có triệu chứng sụt cân không rõ lý do, táo bón, đầy bụng, đi tiêu ra máu, ói ra máu … thì nên đi khám ngay để tầm soát, phát hiện và điều trị kịp thời.
BS Nguyễn Xuân Tuấn (Giảng viên trường Đại học Y dược, Đại học Quốc gia Hà Nội)