Bác sĩ chỉ cách chữa đau vai nhiều về đêm do viêm gân vôi hóa

Viêm gân vôi hóa có thể gây ra những cơn đau cấp dữ dội kéo dài vài ngày hoặc trở thành mạn tính. Người bệnh không chỉ đau mà còn giảm biên độ vận động khớp vai, cứng khớp. Đau có thể lan lên vùng chẩm hoặc xuống ngón tay.

Cơ chế sinh bệnh không rõ

Vôi hóa gân chóp xoay là một tình trạng rất phổ biến, gây ra bởi sự xuất hiện cặn calci trong gân hoặc trong bao gân, bao thanh dịch. Tình trạng này xảy ra ở 2,5% -7,5% khớp vai người khỏe mạnh, nữ giới chiếm khoảng 70% các trường hợp, đặc biệt ở nhóm tuổi 40 – 50 tuổi và dường như không liên quan với hoạt động sinh hoạt, 10 - 20% bệnh nhân vôi hóa xuất hiện ở cả hai bên.

Gân chóp xoay gồm 4 gân (gân trên gai, dưới gai, dưới vai và gân tròn bé), trong đó vùng bị ảnh hưởng nhiều nhất là gân trên gai (80%), tiếp theo gân cơ dưới gai (15%), và vùng cơ dưới vai (5% trường hợp). Tuy nhiên, các vị trí khác cũng có thể bị ảnh hưởng, hay gặp là vị trí các gân vùng khớp háng.

Cơ chế bệnh sinh của vôi hóa gân chưa rõ. Một số tác giả cho rằng có liên quan đến quá trình thoái hóa của các sợi gân với những biến đổi như hoại tử và tiến triển thành vôi hóa. Các tác giả khác nhận thấy có mối liên quan tới tình trạng giảm nuôi dưỡng và thúc đẩy chuyển sản sụn sợi của gân, hoại tử tế bào gân và gây lắng đọng canxi

Tổn thương vôi hóa được chia thành 3 giai đoạn:

- Giai đoạn tiền canxi hóa: biến đổi mô sụn sợi của gân, giống như tạo chất nền giúp cho canxi lắng đọng

- Giai đoạn canxi hóa: lắng đọng canxi thực sự, bao gồm quá trình hình thành và biến đổi. Gây ra tình trạng phù nề và tăng áp lực trong gân, có thể gây thoát tinh thể canxi vào bao thanh dịch dưới cơ Delta, dưới mỏm cùng vai. Giai đoạn biến đổi thường liên quan đến cơn đau cấp tính có thể gây tàn phế và không đáp ứng với các thuốc giảm đau thông thường.

- Giai đoạn sau canxi hóa: xuất hiện sự tái tạo mô gân bởi nguyên bào sợi sau khi lắng đọng canxi, có thể kéo dài vài tháng. Giai đoạn sau canxi hóa và giai đoạn biến đổi của giai đoạn canxi hóa dường như xảy ra đồng thời, với sự thay thế các cặn canxi bằng mô hạt. Quá trình này thường kết thúc với việc chữa lành hoàn toàn gân.

Nguyên nhân:

- Giảm tuần hoàn nuôi dưỡng

- Quá tải gân.

- Rối loạn chuyển hóa: đái tháo đường, rối loạn chức năng tuyến cận giáp

- Di truyền

- Thoái hóa gân và phản ứng tăng sinh tại chỗ

Một số nguyên nhân ít khả năng: nhiễm trùng, chấn thương.

Đau vai nhiều về đêm do viêm gân vôi hóa

Đau vai nhiều về đêm do viêm gân vôi hóa

Cá nhân hóa điều trị

Bệnh viêm gân vôi hóa có các biểu hiện lâm sàng khác nhau. Các triệu chứng có thể kéo dài vài ngày hoặc trở thành mạn tính, không có dấu hiệu rõ ràng về diễn biến của bệnh. Triệu chứng điển hình: cơn đau vai cấp, tăng về đêm (50% bệnh nhân), giảm biên độ vận động khớp vai, cứng khớp. Đau có thể lan lên vùng chẩm hoặc xuống các ngón tay.

- Giai đoạn mạn tính (thầm lặng): Có tổn thương vôi hóa gân nhưng không có triệu chứng, có thể kéo dài trong nhiều năm.

- Giai đoạn cấp tính: đau dữ dội, tăng nhiều về đêm, có thể mất chức năng của khớp

- Giai đoạn bán cấp: vùng gân tổn thương có thể gồ lên, đỡ đau hơn giai đoạn cấp tính.

Cần thăm khám để chẩn đoán phân biệt canxi vôi hóa với các bệnh như: Viêm bao thanh dịch dưới cơ delta; Xung đột mỏm cùng vai; Rách gân chóp xoay; Gút; Viêm quanh khớp vai thể đông cứng.

Điều trị viêm gân vôi hóa có nhiều phương pháp điều trị được lựa chọn nhưng phương pháp thích hợp nên được cá nhân hóa cho từng bệnh nhân tùy thuộc vào sinh lý bệnh và quá trình diễn biến bệnh, cũng như đánh giá lâm sàng và các xét nghiệm, xác định chính xác giai đoạn bệnh của bệnh nhân.

Phương pháp điều trị có thể là “bảo tồn” bằng thuốc chống viêm giảm đau, vật lý trị liệu, “xâm lấn tối thiểu” hoặc “phẫu thuật” nội soi hay mổ mở.

Tuy nhiên, diễn biến tự nhiên của bệnh có thể tái hấp thu các chất lắng đọng và giảm đau hoàn toàn, các biện pháp bảo tồn thường thành công trong hầu hết các trường hợp, đạt hiệu quả 80 - 99% trong các nghiên cứu.

Điều trị nội khoa:

-Vật lý trị liệu: các bài tập nhằm duy trì sức mạnh cơ và hạn chế tình trạng cứng khớp

Thuốc: các thuốc chống viêm, giảm đau NSAIDS có thể làm giảm các triệu chứng của bệnh

Can thiệp tối thiểu: các bác sĩ có thể dùng kim chọc hút vùng lắng đọng canxi hóa dưới hướng dẫn của siêu âm hoặc C-arm nhằm mục đích giảm lượng cặn lắng đọng, giảm đau và có thể rút ngắn thời gian hồi phục của bệnh (có thể tăng tốc độ tái hấp thu 50% trường hợp). Tiêm corticoid tại chỗ có tác dụng ngắn và giúp kiểm soát triệu chứng, tuy nhiên một số tác giả cho rằng corticoid có thể làm giảm quá trình chữa lành gân.

- Huyết tương giàu tiểu cầu (PRP): hiệu quả của PRP đã được đánh giá, tuy nhiên các nghiên cứu số lượng còn hạn chế. Nhưng nó có thể là một lựa chọn điều trị trong các trường hợp bệnh phức tạp.

Sau các thủ thuật, bệnh nhân cần nghỉ ngơi một khoảng thời gian ngắn (1 đến 2 ngày) sau đó dần trở lại các hoạt động hàng ngày, quá trình hồi phục hoàn toàn có thể mất từ 3 đến 6 tháng.

PGS.TS Nguyễn Đình Hòa (Viện trưởng viện nghiên cứu ứng dụng Y học tái tạo và Tế bào gốc IRS)

Theo Đời sống
back to top