Cụ thể, sau khi mời Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), Bộ tư lệnh Tác chiến không gian mạng (Bộ Quốc phòng), Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam VNISA cùng đánh giá về các quyền mà ứng dụng PC-Covid sử dụng, các bên đã kết luận chưa phát hiện ứng dụng PC-Covid thu thập thông tin của người dùng ngoài phạm vi các chức năng đã được mô tả, công khai.
Ví dụ như quyền truy cập vị trí và kết nối Bluetooth, PC-Covid dùng Bluetooth năng lượng thấp (BLE) để ghi nhận tiếp xúc gần, không có dấu hiệu cho thấy PC-Covid khai thác vị trí người dùng.
Quyền truy cập thông báo không đọc nội dung thông báo của người dùng; quyền truy cập ảnh, video, âm thanh và tệp nhằm phục vụ tính năng quét mã QR, lưu hình ảnh để sử dụng khi không có mạng.
Trên nền tảng iOS, quyền Bluetooth không gắn liền với quyền truy cập vị trí như android.
Trước đó, đã có những lo ngại bảo mật khi ứng dụng PC-Covid tự động bật kết nối Bluetooth; bên cạnh đó là có thể quét dữ liệu người dùng nếu lộ mã QR.
Tuy nhiên, theo nhà phát triển PC-Covid, ứng dụng này sẽ liên tục có các bản cập nhật để "vá lỗi". Như bản cập nhật làm mờ giao diện màu xanh để người dân không nhầm lẫn đó là thẻ xanh; hay tính năng ẩn mã QR để tránh lộ lọt thông tin...
Ra mắt chính thức từ ngày 30/9, PC-Covid được giới thiệu là ứng dụng phòng chống dịch thay thế toàn bộ các ứng dụng trước đó.
Các tính năng chính của ứng dụng PC-Covid gồm: Cấp, quản lý mã QR cá nhân và địa điểm; Quét mã QR; Khai báo y tế; Khai báo di chuyển nội địa; Phản ánh của người dân; Thông tin tiêm văcxin; Thông tin xét nghiệm; Thẻ thông tin Covid-19; Truy vết tiếp xúc gần; Mật độ di chuyển; Xu hướng lây nhiễm; Bản đồ nguy cơ…