Kiểm soát yếu tố nguy cơ
Thận có nhiệm vụ điều tiết nồng độ chất điện giải, kiểm soát huyết áp và tham gia điều tiết sản sinh hồng cầu. Ngoài ra, thận còn giúp cơ thể tái hấp thu nước, các axit amin và sản xuất ra các hormon điều hòa cơ thể. Nếu chức năng thận kém sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của hệ bài tiết, gây ra hàng loạt các dấu hiệu bất thường.
Hiện nay tỷ lệ người mắc đái tháo đường gia tăng, đây được xem như là nguyên nhân hàng đầu gây suy thận. Đái tháo đường gây nhiều biến chứng lên các hệ cơ quan khác như tim mạch, mắt, thần kinh... Số người mắc bệnh đái tháo đường ngày càng tăng thì tỷ lệ người đái tháo đường có biến chứng thận (suy thận) càng tăng cao. Bên cạnh đó, một tỷ lệ không nhỏ người mắc cao huyết áp không được kiểm soát gây tiểu đạm, biến chứng suy thận. Ngoài ra là tình trạng sử dụng thuốc lâu dài, sử dụng nhiều loại thuốc cùng lúc gây tổn thương thận. Một số thuốc thường gặp có thể gây độc cho thận như thuốc kháng viêm không steroid; kháng sinh nhóm aminoglycoside; thuốc kháng lao; thuốc, hóa chất điều trị ung thư; thuốc cản quang và một số thuốc đông y không rõ nguồn gốc. Để bảo vệ chức năng thận người ta phải kiểm soát yếu tố nguy cơ gây hại cho thận, đồng thời tăng cường các thực phẩm bổ dưỡng, bồi đắp sức khỏe thận.
Ăn giảm đạm
Khi chức năng thận suy giảm, thận không thể loại bỏ hết các sản phẩm thải từ protein, chẳng hạn như urê. Urê tích tụ trong cơ thể khiến người bệnh mệt mỏi, chán ăn, suy giảm trí nhớ, thậm chí hôn mê. Vì vậy, những người đái tháo đường, người cao huyết áp mắc bệnh thận nên hạn chế lượng protein trong bữa ăn. Với những người bị suy thận độ 4, khẩu phần ăn protein nên ở mức 0.36g/kg trọng lượng cơ thể hoặc khi chức năng lọc của cầu thận giảm xuống dưới 25% so với khi bình thường.
Những loại thực phẩm giàu protein nên ăn hạn chế gồm pho mát, đậu, thịt đỏ, trứng, phủ tạng động vật, xúc xích… Nên ăn những thực phẩm chứa lượng protein thấp như cá, đậu nành, thịt gà. Nên hạn chế ăn muối, đối với trường hợp tăng huyết áp, phù nặng nên ăn nhạt hoàn toàn. Muốn hạn chế muối, ngoài việc nêm nếm cần nhẹ tay, người bệnh không nên ăn thực phẩm đóng hộp như thịt xông khói, xúc xích, chả, giò, thịt hộp; nên ăn rau quả tươi, tránh các loại củ quả ngâm, muối chua.
Đối với các thực phẩm nhiều photpho như bánh mỳ nguyên hạt, ngũ cốc nguyên hạt nên hạn chế, thay vào đó nên ăn các các thực phẩm có hàm lượng photpho thấp như bánh mỳ trắng, gạo. Đối với thực phẩm giàu kali nên hạn chế như khoai lang, khoai tây, tương cà, dưa hấu, cải bó xôi, củ dền, đậu đen, đậu trắng. Nên ăn thực phẩm ít kali như nho, dứa, dâu tây, súp lơ, hành, ớt, củ cải, xà lách, rau diếp, thịt gà.
Tăng cường vitamin
Vitamin rất quan trọng đối với người đái tháo đường kèm theo thận yếu. Theo tính toán chung, lượng canxi cần cung cấp cho cơ thể từ 900-1.200mg/ngày, photpho 300- 600mg/ngày, natri 1.000-2.000mg/ngày (tương đương 2,5-5g muối ăn NaCl/ngày) tùy theo mức độ phù và tăng huyết áp, kali 2.000- 3.000 mg/ngày, hạn chế dưới 1000mg khi có tăng kali máu, phù và tiểu ít. Sắt cần bổ sung khi chế độ ăn giảm đạm nhiều. Người bệnh nên được bổ sung vitamin tan trong nước như vitamin nhóm B (B1, B2), đặc biệt vitamin C.
Đối với người cao huyết áp, rau xanh, quả chín cung cấp nhiều chất xơ, kali, magie, vitamin C, A, E là những chất dinh dưỡng tốt với huyết áp. Người cao huyết áp nên ăn nhiều chất xơ giúp dự phòng và điều trị bệnh tim và hạ chỉ số huyết áp. Ngoài ra, người cao huyết áp nên ăn tăng chất xơ để giúp giảm cân, thải độc chất có hại trong cơ thể ra ngoài. Nên sử dụng đủ rau, quả với lượng trung bình là 400 g/người/ngày, với người cao huyết áp nên ăn 500g mỗi ngày cùng với 100-300g quả chín mỗi ngày.
Bệnh nhân tiểu đường, huyết áp lâu ngày kèm theo chức năng thận yếu nên có chế độ dinh dưỡng hợp lý, kiểm soát tốt chỉ số đường huyết, chỉ số huyết áp sẽ giúp làm chậm lại tiến trình suy thận.
BS Nguyễn Văn Nam (Phùng Khoang, HN)