Chị Nguyễn Thị H. (36 tuổi ở Hà Nội) có thói quen thức khuya, ăn muộn từ thời sinh viên. Càng thức khuya chị lại càng ăn nhiều vào ban đêm nên thừa nhiều cân. Đi khám bác sĩ khuyên chị giảm cân và không nên ăn tối muộn, ăn đêm vì có nguy cơ mắc đái tháo đường (ĐTĐ).
Lời bàn: Melatonin, một loại hormon chủ yếu được tiết ra từ tuyến tùng vào ban đêm giúp kiểm soát chu kỳ ngủ - thức, nồng độ melatonin thường tăng lên khoảng 2 giờ trước khi đi ngủ. Một số nghiên cứu phát hiện những người mang gene G của gene thụ thể melatonin-1b (MTNR1B) bị suy giảm khả năng dung nạp glucose nhiều hơn sau khi ăn tối muộn.
Nghiên cứu được thực hiện trên 845 người lớn ở Tây Ban Nha, từ 18 - 70 tuổi và không mắc bệnh ĐTĐ. Chỉ số khối cơ thể (BMI) trung bình là 25,7 và 18% bị béo phì. Trung bình, họ thường ăn tối lúc 21h38 và đi ngủ lúc 0h32 phút sáng.
Tất cả phải nhịn ăn trong 8 giờ và sau đó làm nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống với 75g glucose vào trước khi đi ngủ 1 hoặc 2 giờ (mô phỏng một bữa tối muộn) hoặc 4 giờ trước khi đi ngủ (mô phỏng một bữa ăn tối sớm). Kết quả, ở nhóm người ăn tối muộn, nồng độ melatonin huyết thanh trung bình sau bữa ăn tối muộn cao hơn 3,5 lần so với sau bữa ăn tối sớm, kèm theo nồng độ insulin thấp hơn 6,7% và nồng độ glucose máu cao hơn 8,3%.
Kết quả nghiên cứu này có ảnh hưởng rất lớn vì có đến khoảng 1/3 dân số ở các nước phát triển có bữa ăn gần giờ đi ngủ và nhiều nhóm dân số khác có thói quen ăn đêm, bao gồm cả những người làm ca, hoặc những người mắc chứng rối loạn ăn đêm.
Các nhà nghiên cứu khuyến cáo mọi người không nên ăn trong vòng 2 giờ trước khi đi ngủ.
TS.BS Nguyễn Quang Bảy (Trưởng khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai)