Ăn thịt trắng có thể hại ngang thịt đỏ

(khoahocdoisong.vn) - Ăn nhiều thịt gia cầm, còn gọi thịt trắng, cũng làm tăng lượng cholesterol xấu trong cơ thể, giống như thịt bò. Điều này có cơ sở khoa học

Thịt trắng hay đỏ đều có hại nếu ăn quá nhiều

Lâu nay nhiều người mặc nhiên nghĩ rằng ăn thịt đỏ không tốt bằng thịt trắng do thịt đó có nhiều cholesterol có thể làm tăng mỡ máu và dẫn đến nhiều bệnh như béo phì, tim mạch, huyết áp… Nhiều chuyên gia cũng khuyên người tiêu dùng nên tích cực ăn thịt trắng thay vì thịt đỏ để bảo vệ sức khỏe. Nhưng điều này đến nay đã được chứng minh là không đúng.

Nghiên cứu đăng trên American Journal of Clinical Nutrition ngày 4/6 cho thấy, thịt gia cầm, hay còn gọi là thịt trắng, vẫn có khả năng làm tăng cholesterol. Trong nghiên cứu của bác sĩ Krauss cùng đồng nghiệp, 113 tình nguyện viên được chỉ định ngẫu nhiên ăn theo ba chế độ khác nhau. Chế độ đầu tiên nhiều thịt bò nạc, chế độ thứ hai nhiều thịt gà hoặc gà tây nạc, chế độ thứ ba nhiều protein thực vật.

Sau mỗi tháng, các nhà nghiên cứu đo lượng cholesterol LDL hay còn gọi là cholesterol xấu của tình nguyện viên. Kết quả cho thấy chế độ ăn nhiều thịt, dù là gà hay bò, đều làm tăng lượng cholesterol LDL so với chế độ ăn giàu protein thực vật. Các tác giả nhận định phát triển có thể không ảnh hưởng đến những người khỏe mạnh. Tuy nhiên, người đang muốn giảm lượng cholesterol LDL nên cân nhắc giảm bớt cả thịt đỏ lẫn thịt trắng và sử dụng nhiều protein thực vật hơn.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học – Công nghệ Thực phẩm cho rằng, ăn quá nhiều thịt đỏ hay thịt trắng đều không tốt, chỉ ăn một trong hai loại lại càng không tốt. Cả hai nhóm thịt đều giàu protein. Điều người ta lo ngại là hàm lượng cholesterol dung nạp khi ăn thịt đỏ, thì ở thịt trắng cũng có. Thực tế thịt trắng hay thịt đỏ đều có cholesterol, ở mức độ nào đó thì chúng rất cần thiết cho cơ thể. Cholesterol khi được dung nạp quá mức, trở thành kẻ thù của tim mạch, huyết áp. Nguyên tắc của bữa ăn là cân đối dinh dưỡng giữa các nhóm thực phẩm khác nhau như rau xanh, thịt cá, hoa quả, trứng sữa.

“Không nên nghĩ rằng vì thịt trắng (cá, tôm, gà…) là bổ, tốt cho sức khỏe, không có hại gì… Cần cân đối dinh dưỡng cân bằng cả thịt trắng và thịt đỏ (trâu, bò, lợn…) trong bữa ăn hàng ngày”, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh.

Khẩu phần ăn nên thiên về rau quả

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, để cân bằng dinh dưỡng không khó, nhưng nhiều người ăn theo sở thích mà ít quan tâm đến các thành phần dinh dưỡng. Bữa ăn luôn phải có rau quả theo mùa, ngũ cốc, thịt cá và các loại đậu. Không ít người cho rằng, ăn lành mạnh nghĩa là cố gắng giảm thiểu các nhóm chất như béo, calories, hay carbohydrate...

Bên cạnh việc giảm các chất có thể gây hại cho cơ thể (khi dung nạp quá nhiều) thì những nhóm chất như xơ, vitamin, khoáng chất... cũng cần được bổ sung và cân bằng trong mỗi bữa ăn, để đem lại hiệu quả sức khỏe tốt.

Ngoài ra, còn có hàng loạt cách ăn được xem là ăn khoa học được nhiều người truyền tai nhau như ăn kiêng thực vật như ăn kiêng thực vật, ăn sạch (sử dụng nguyên liệu hữu cơ)... Những cách ăn này có thể mang lại lợi ích nhất định, tuy nhiên về mặt thực tế rất khó để ước lượng tỷ lệ dưỡng chất cần cung cấp cho mỗi bữa ăn.

Để cụ thể hóa lượng thực phẩm cần thiết, các chuyên gia dinh dưỡng đã áp dụng công thức 'Đĩa dinh dưỡng' (Healthy Eating Plate) vào trong từng bữa ăn của gia đình. Cách này giúp kiểm soát tỷ lệ dinh dưỡng cũng như lượng nước cung cấp trong khẩu phần ăn một cách dễ hiểu và dễ thực hiện. Khẩu phần giữa người lớn và trẻ nhỏ có thể khác nhau, nhưng thành phần tỷ lệ sẽ như nhau. Vì vậy, mô hình này có thể áp dụng cho tất cả thành viên trong gia đình.

Công thức dễ nhớ của "Đĩa dinh dưỡng" gồm: ăn ít nhất nửa đĩa rau củ hoặc trái cây (chú ý càng nhiều loại và màu sắc càng tốt), là nguồn cung cấp vitamin cùng khoáng chất chính trong bữa ăn. Một phần tư của đĩa thức ăn dành cho chất đạm (như trứng, cá, thịt, các loại đậu, cần tránh những nguồn thịt đã qua xử lý công nghiệp như xúc xích và thịt nguội). Phần còn lại của đĩa thức ăn sẽ bao gồm carbohydrate, giúp cung cấp năng lượng cho cơ thể, như khoai tây, các loại ngũ cốc dạng hạt như gạo trắng, yến mạch, gạo lứt, hạt hạnh nhân, hạt óc chó...

Theo Đời sống
back to top