Muối lạc có tác dụng kỳ diệu?
Gần đây, nghe bạn bè nói về phương pháp chữa và phòng bệnh ung thư bằng muối lạc, bà Phan Hồng Minh (Cầu Giấy, Hà Nội) gửi thắc mắc đến KH&ĐS. Theo bà, muối lạc là món ăn dân dã từ xa xưa, phải chăng ông bà ta đã đúc rút được kinh nghiệm món ăn bài thuốc từ muối lạc, đến giờ khoa học chứng minh là muối lạc có thể chữa được ung thư? Người bị bệnh ung thư ăn muối lạc, các thực phẩm từ lạc, sẽ có thể ngăn cản tế bào ác tính sinh sôi, từ đó kéo dài thời gian sống, hoặc thậm chí là khỏi bệnh.
“Nhiều người nói rằng, các nhà khoa học đã tìm thấy trong lạc có teta-sitoserol có tác dụng chống lại bệnh tim mạch bằng cách can thiệp vào sự hấp thụ cholesterol. Đồng thời chất này còn ngăn chặn sự phát triển của các tế bào ung thư. Lạc rất giàu chất xơ. Còn trong Đông Y, từ bao đời nay lạc được biết đến với công dụng bổ tỳ vị, nhuận phế, tiêu đờm, điều hòa huyết khí, tiêu sưng, cầm máu. Chẳng vậy mà các thầy lang khuyên khi bị mất tiếng hay phù chân, thiếu sữa, táo bón, huyết áp cao, viêm thận… hãy dùng lạc. Hay lạc chữa sỏi mật, giúp trẻ tăng cân…”, bà Phan Hồng Minh cho biết
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học – Công nghệ Thực phẩm cho biết, đúng là trong hạt lạc có thành phần chất teta sitoserol có tác dụng tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên đến nay chưa có công trình khoa học nào nghiên cứu thành phần chất này trong lạc là bao nhiêu, ăn bao nhiêu lạc thì mới đạt đủ hoạt chất để ức chế tế bào ung thư.
“Tôi chưa bao giờ nghe nói ăn lạc có thể chữa ung thư. Chất Teta sitoserol có trong đậu tương, lạc, một số loại sâm như sâm Ngọc Linh. Nhưng hoạt chất này trong hạt lạc chắc chắn là cực kỳ ít. Nên về lý thuyết, có thể điều này đúng, nhưng thực tế, phải ăn đến cả tấn lạc mới có đủ hoạt chất để chữa bệnh, thì liệu có ai làm được? Hơn nữa, muối lạc tốt, nhưng ăn nhiều đồng nghĩa với ăn nhiều muối, lại không tốt cho thận”, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho biết.
Nguy hiểm từ lạc rang húng lìu
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, muối lạc là thực phẩm lành tính, gần như là tốt cho tất cả mọi người, dễ ăn. Tuy nhiên, nguyên liệu làm muối lạc phải là lạc ngon, không bị hỏng, mốc, lượng muối trộn lẫn cũng phải rất nhỏ để tránh dung nạp quá nhiều muối vào cơ thể. Thực phẩm từ hạt lạc nói chung là tốt cho sức khỏe, tuy nhiên chỉ có điều đáng lưu ý là không ăn lạc đã bị mốc. Nhiều người tiếc của, thấy lạc mốc lại đem ra phơi, phủi sạch mốc để ăn. Hoặc khi đang ăn thấy hạt lạc mốc mà không nỡ bỏ, cố để ăn vào. Độc tố aflatoxin trong lạc mốc cực kỳ nguy hại, có thể chính là tác nhân gây ra bệnh ung thư đáng sợ.
“Lạc rang húng lìu là thực phẩm nhiều người ưa chuộng, nhưng ít ai biết đây là thực phẩm cũng ẩn chứa nhiều nguy cơ. Lý do là khi ngâm tẩm, rang bằng húng lìu, mùi gia vị sẽ lấn át đi mùi lạc, khó phát hiện hạt lạc mốc khi ăn. Do đó, có khi ăn phải hạt lạc mốc mà không biết để bỏ đi. Phải rất tinh thì mới phát hiện ra hạt lạc mốc rang húng lìu. Đối với những người có sở thích ăn thực phẩm này thì nên lựa chọn những cơ sở uy tín, đảm bảo chất lượng, hoặc có thể tự mua lạc, loại bỏ hết hạt hỏng rồi tự làm ở nhà để đảm bảo an toàn cho sức khỏe”, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho biết.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, để chọn mua được những hạt lạc ngon nhất, bạn cần chọn những của lạc to tròn đều, màu đậm đều, cầm hạt lạc bạn bóp nhẹ thấy chắc, bóc lớp vỏ thấy mùi thơm đặc trưng của lạc. Những củ lạc đỏ ăn sẽ ngon và thơm hơn lạc trắng, nhưng lại khó phân biệt hạt hỏng, mốc. Lạc khi còn sống sẽ dễ phân biệt hạt hỏng hơn, nên lựa chọn hết hạt hỏng trước khi chế biến. Không vì bất cứ lý do gì mà cố để ăn lạc mốc.
“Muối lạc cũng có hạn sử dụng. Tốt nhất là sử dụng trong vòng 1 tuần, không nên để quá lâu, dầu trong lạc phôi ra, mất hết dưỡng chất”, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh.