Trời để dành ông cho ta vậy
Ngô Thì Nhậm (tự Hy Doãn, hiệu Đạt Hiên), sinh ngày 25/10/1746, tại làng Tó, thôn Tả Thanh Oai, xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội, trong một gia đình nhiều đời đỗ đạt cao, là con hoàng giáp Ngô Thì Sĩ (1726-1780), cháu Ngô Thì Ức (người mở đầu Ngô gia văn phái).
Năm 1775, Ngô Thì Nhậm đỗ tiến sĩ, được bổ làm quan triều Lê-Trịnh, giữ chức hộ khoa cấp sư trung, rồi thăng giám sát nghị sử đạo Sơn Nam (Thái Bình), đốc đồng trấn Kinh Bắc kiêm đốc đồng Thái Nguyên; khi cha ông làm đốc đồng Lạng Sơn; cha con nổi tiếng văn chương trong thiên hạ, năm 1879, giữ chức đốc đồng hiệu thư (hiệu đính các văn tự, sách vở của triều đình).
Từ năm 1780, phủ chúa mâu thuẫn, lục đục, tranh giành quyền lực giữa các phe cánh, năm 1782, Trịnh Sâm chết, kiêu binh nổi loạn đưa Trịnh Tông lên làm chúa, Ngô Thì Nhậm bỏ quan, lánh về quê vợ ở Sơn Nam ẩn dật, làm thơ và dạy học.
Năm 1788, Nguyễn Huệ đem quân ra Bắc Hà, lật đổ tập đoàn Lê- Trịnh, ổn định tình hình, xuống lệnh cầu hiền, tìm quan cũ thời Lê-Trịnh tâm huyết với đất nước để bổ dụng. Các danh sĩ Bắc Hà, trong đó có Ngô Thì Nhậm lần lượt ra làm quan cho nhà Tây Sơn.
Khi được Thì Nhậm, Nguyễn Huệ mừng mà rằng: “Thật là trời để dành ông cho ta vậy và phong chức Tả thị lang Bộ Lại, sau thăng Thượng thư Bộ Lại - chức vụ cao nhất trong lục bộ; giao cho cùng với Ngô Văn Sở ở lại Thăng Long, trông coi Bắc Hà…
Lo cho vận nước và vận mình
Cuối năm 1788, Lê Chiêu Thống cầu viện, 29 vạn quân Thanh kéo sang xâm lược nước ta. Ngô Thì Nhậm đề xuất chiến lược rút quân khỏi Thăng Long, lập phòng tuyến Tam Điệp-Biện Sơn, bảo toàn và củng cố lực lượng, vạch kế hoạch, chờ Nguyễn Huệ đem quân ra Bắc phối hợp phản công; đồng thời, viết chiếu lên ngôi gửi vào Phú Xuân cho Nguyễn Huệ.
Đúng như dự kiến của Ngô Thì Nhậm, sau gần một tháng tiến công, 29 vạn quân Thanh bị quét sạch; Ngô Thì Nhậm được giao nhiệm vụ ngoại giao với nhà Thanh, lập lại hoà bình, ổn định.
Năm 1790, giữ chức thượng thư Bộ binh, rồi Tổng tài quốc sử quán. Trong lúc sự nghiệp đang lên, thì ngày 29/4/1792, Quang Trung mất đột ngột, Ngô Thì Nhậm bàng hoàng, thương tiếc người anh hùng và chẳng khỏi lo cho vận nước và vận mình.
Năm 1793, được cử làm chánh sứ sang nhà Thanh, báo tang và cầu phong vua mới. Tình hình chính trị cuối thời Tây Sơn rối ren khiến Ngô Thì Nhậm đau xót. Năm 1796, ông từ quan về quê tìm lối thoát trong triết học, lập Thiền viên tại phường Bích Câu. Triều Tây Sơn sụp đổ, Nguyễn Ánh trả thù hèn hạ nhà Tây Sơn và những người thân tín. Ngô Thì Nhậm và một số viên quan bị đánh bằng roi tại Văn Miếu năm 1803, sau trận đánh về nhà, Ngô Thì Nhậm chết.
Sinh thời, Ngô Thì Nhậm và Đặng Trần Thường có quen biết nhau. Lúc Ngô Thì Nhậm được Quang Trung trọng dụng, Đặng Trần Thường đến xin Nhậm tiến cử. Trông thấy vẻ khúm núm làm mất phong độ của kẻ sĩ, Nhậm thét bảo Thường rằng: Ở đây cần dùng người vừa có tài vừa có hạnh giúp vua cai trị nước. Còn muốn vào luồn ra cúi thì đi nơi khác. Đặng Trần Thường hổ thẹn ra về, rồi vào Nam theo Nguyễn Phúc Ánh.
(còn nữa)