Hình minh họa
Mưu lập thế lực riêng
Nhân cơ hội này, Chỉnh chiêu tập hơn một vạn quân, lại Bắc tiến như chẻ tre. Quân Trịnh do Lê Trung Nghĩa, Phan Huy Ích chỉ huy nghênh chiến với Chỉnh bị đại bại. Nghĩa bị giết, Ích bị bắt sống.
Thừa thắng, quân Chỉnh đánh thốc ra Thăng Long, các tướng Trịnh thua trận bỏ chạy. Án Đô vương Trịnh Bồng bỏ đi mất tích. Chiêu Thống sai đốt phủ chúa, họ Trịnh từ đó không quay lại ngôi vị được nữa.
Dẹp được chúa Trịnh, Chỉnh được vua Chiêu Thống phong là Bình vương Quân Quốc Trọng Sự, Đại Tư đồ, Bằng Trung công. Chỉnh một tay lần lượt đánh dẹp và giết cả Đinh Tích Nhưỡng, Dương Trọng Tế và Hoàng Phùng Cơ. Bắc Hà không còn đối thủ, Chỉnh cậy quyền thế lại coi thường và lấn át vua Lê.
Biết anh em Tây Sơn bất hoà, Chỉnh có ý chống đối lại, mưu lập thế lực riêng như chúa Trịnh trước đây. Mặt khác, Chỉnh muốn mở rộng ảnh hưởng vào Nam nên đã thông đồng với Nguyễn Duệ, bầy tôi của Nhạc chiếm đất Nghệ An, sửa luỹ Hoành Sơn, lấy Linh giang (tức Sông Gianh) làm giới hạn với Thuận Hoá.
Vũ Văn Nhậm con rể Nguyễn Nhạc, hay tin bèn cáo biến với Nguyễn Huệ, ý định của Chỉnh không thành. Vũ Văn Nhậm được cử ra Nghệ An tăng cường lực lượng của Tây Sơn.
Cay cú vì bị phát hiện ra ý đồ xấu, nhưng không chịu từ bỏ, Chỉnh lại sai Trần Công Xán vào đòi Tây Sơn đất Nghệ An do Nguyễn Văn Duệ và Vũ Văn Dũng đang trấn thủ. Không thể chấp nhận được, cuối năm 1787, Nguyễn Huệ cử Ngô Văn Sở và Phan Văn Lân mang quân ra Nghệ An, cùng Vũ Văn Nhậm hợp sức tiến ra Bắc hỏi tội Chỉnh.
Cái chết bi thương
Quân của Nhậm giết Lê Luật, Nguyễn Như Thái rồi kéo thẳng ra Thăng Long. Chỉnh đang ăn cơm hay tin quăng đũa, sai con là Nguyễn Hữu Du đi trước ứng chiến, tự mình cầm 3 vạn quân chống cự ở sông Thanh Quyết.
Tuy nhiên, quân của Chỉnh không thể chống cự nổi, nửa đêm, Chỉnh trốn từ Thanh Quyết về Thăng Long, thu gom được vài ngàn quân, hộ tống Lê Chiêu Thống chạy sang Kinh Bắc. Vua tôi chạy đến Mục Sơn thì quân Tây Sơn đuổi kịp.
Bộ tướng của Vũ Văn Nhậm là Nguyễn Văn Hoà chia quân đánh mặt trước, đồng thời bí mật vòng phía sau núi đánh úp. Quân của Chỉnh rối loạn tự tan vỡ, Du bị giết, Chỉnh vì ngựa què nên bị quân Tây Sơn tóm được.
Nguyễn Văn Hoà đưa Chỉnh về Thăng Long. Vũ Văn Nhậm cho chặt chân tay, xé xác ở Cửa Đông. Theo một số tài liệu, Chỉnh bị bêu đầu ngày 15/01/1788, tức tháng chạp năm Đinh Mùi. Nguyễn Hữu Chỉnh thọ 47 tuổi. “Loạn thế xuất anh hùng”, thời đại loạn đã sản sinh Nguyễn Hữu Chỉnh và Nguyễn Hữu Chỉnh cũng đã kịp để lại dấu ấn đậm trên gương mặt thời đại.
Mô hình nhân cách mà Nguyễn Hữu Chỉnh tự thể hiện, tự bộc lộ bằng chính cuộc đời mình, đó là kiểu người vượt thoát ra ngoài sự ràng buộc của những tiêu chí thông thường, con người hành động với khát vọng tìm kiếm mọi con đường giải phóng năng lực và tham vọng của mình – con người tự do.
Nguyễn Hữu Chỉnh tài mạo song toàn, ăn ở có nghĩa không kém ai, tàn nhẫn không hơn ai, song gặp toàn nghịch cảnh, suốt đời lận đận. Đã không gặp thời, không thoả trí nguyện, ngậm oan chết thảm mà còn đời đời bị phỉ báng.
Chữ “tài” quả nhiên cùng với chữ “tai” một vần. Câu cuối cùng Nguyễn Hữu Chỉnh để lại, cũng là lời muốn minh giải cho cuộc đời đầy thăng trầm, bi kịch, lắm tiếng khen chê của mình: “Chỉ vì cái thế mà thôi”.
Nguyễn Trung Thành