Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa công bố báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) năm 2019. Đại diện của ADB dự báo, tốc độ tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu chậm lại, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam cũng sẽ giảm nhẹ, nhưng vẫn được duy trì ở mức khá cao là 6,8% trong năm 2019 và 6,7% trong năm 2020. Lạm phát được dự báo sẽ tiếp tục ở mức bình quân 3,5% trong năm 2019, song sẽ tăng lên 3,8% trong năm 2020.
Theo các chuyên gia của ADB, dự báo tốc độ tăng trưởng của Việt Nam 6,8% là do tiếp nối đà tăng trưởng 7,1% trong năm 2018. Tăng trưởng kinh tế Việt Nam nhiều khả năng được giữ vững trong thời gian tới, với sự hỗ trợ của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo định hướng xuất khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài, và cầu nội địa được duy trì.
Tuy nhiên, ADB cũng cho rằng Việt Nam vẫn đối mặt với nguy cơ rủi ro kinh tế trong năm nay và năm sau. Những nền kinh tế lớn của thế giới - vốn là các đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam - đang suy giảm. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào xuất khẩu với tổng kim ngạch thương mại gấp đôi quy mô GDP nên khi tăng trưởng kinh tế của các nước có quan hệ thương mại với Việt Nam bị suy giảm thì xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị tác động. Mặt khác, việc chậm cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại nhiều doanh nghiệp cũng là một lực cản đối với kinh tế Việt Nam.
Để duy trì đà tăng trưởng, ADB khuyến cáo Việt Nam nên tiếp tục cải cách để cải thiện môi trường kinh doanh vì đó sẽ là nhân tố khuyến khích đầu tư tư nhân, cũng như những nỗ lực tăng cường quan hệ với các đối tác trên toàn cầu thông qua nhiều hiệp định thương mại. Cải thiện khả năng tiếp cận nguồn tài chính của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), cũng như nâng cao năng lực của các DNNVV - gồm cả kỹ năng của người lao động - là những biện pháp quan trọng để cho phép các DNNVV áp dụng tốt hơn các công nghệ mới và đạt được giá trị gia tăng cao trong các chuỗi giá trị toàn cầu.
Về tác động của việc Việt Nam gần đây liên tiếp tăng giá điện và xăng, ADB cho rằng sẽ có tác động đến lạm phát nhưng không lớn. 3 quý còn lại trong năm, ADB khuyến nghị Việt Nam cần thắt chặt hơn chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát. Đặc biệt theo dõi chặt chẽ diễn biến nhập siêu, biến động dòng tiền, diễn biến tình hình thương mại thế giới cũng như biến động lãi suất khu Fed nâng lãi suất cơ bản đồng USD.
Dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2019 của ADB |