9x và ước mơ bảo tồn vải thổ cẩm

(khoahocdoisong.vn) - Đi tìm câu trả lời cho câu hỏi làm thế nào để gìn giữ văn hóa dân tộc, Nguyễn Linh, sinh viên ngành Quan hệ quốc tế, Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học TPHCM (HUFLIT) quyết tâm theo đuổi dự án bảo tồn và phát triển thổ cẩm của người dân tộc thiểu số.

Tại sao vùng miền khác nhau đồ lưu niệm lại giống nhau?

Nguyễn Linh, sinh năm 1996 có con đường hơi khác so các bạn cùng khóa. Thay vì học trọn 4 năm đại học, Linh chọn một bước đi dài hơn cho quá trình học tập. Đấy là nghỉ học giữa chừng, dành 2 năm làm việc tại 2 tập đoàn lớn là Nielsen Việt Nam và Sanofi Việt Nam, sau đó mới quay lại giảng đường đại học. 

Cùng với việc gap year (dừng học giữa chừng để đi làm), Linh quyết định  tham gia Ethnicity - một dự án phi lợi nhuận với mục đích bảo tồn và phát triển vải thổ cẩm của người dân tộc thiểu số.

Kể về mối lương duyên với Ethnicity, Linh cho biết, năm 2014 đi chơi Đà Lạt và thấy các cửa hàng bán những sản phẩm làm từ thổ cẩm, đến năm 2017, du lịch Hà Nội - Sa Pa, Linh lại bắt gặp những món đồ thổ cẩm này. “Tại sao vùng miền khác nhau mà đồ lưu niệm lại giống nhau?”. Linh tìm hiểu và biết “đó là sản phẩm công nghiệp hóa” - nghĩa là những món đồ này không phải là thổ cẩm (thổ cẩm phải dệt 100% bằng thủ công nên đắt, khó bán), cái được bày bán là đồ công nghiệp. “Nếu cứ thế này thì thổ cẩm truyền thống sẽ đi về đâu, văn hóa liệu có bị mai một?”, câu hỏi cứ lẩn quẩn trong đầu Linh.

Từ những câu hỏi chưa có hồi đáp, Linh có cơ hội gặp anh Phan Văn Quyền – người sáng lập dự án Ethnicity và cũng là một trong 10 lãnh đạo trẻ trong Quỹ Obama (Obame Foundation) đang tìm kiếm những bạn trẻ để tham gia dự án Ethnicity. Tìm hiểu về Ethnicity, Linh biết đây chính là đường đi để tìm lời giải cho những thắc mắc của chính mình.

Đã có nhiều khoảng lặng

Linh tâm sự đã có rất nhiều khoảng lặng trong quá trình theo đuổi dự án. Khoảng lặng nằm ở việc Linh và “đồng đội” phải tính làm sao để đưa Ethnicity đi con đường dài. 

Linh cho hay, Ethnicity xây dựng 4 thư viện số hoa văn thổ cẩm: Bảo tồn, phát triển, ứng dụng và minh họa. Trong đó, thư viện bảo tồn hướng đến việc lưu trữ nguyên bản hoa văn gốc, phục vụ cho công tác bảo tồn, nghiên cứu, nâng cao giá trị sản phẩm dệt, tăng giá trị nghề dệt của đồng bào dân tộc thiểu số. Thư viện phát triển, ứng dụng, minh họa hướng tới người trẻ trong lĩnh vực đồ họa nói riêng và người trẻ Việt Nam nói chung, nhằm thúc đẩy hiểu biết văn hoá, thúc đẩy nghề dệt truyền thống, đồng thời lan tỏa bản sắc Việt qua việc ứng dụng các mẫu hoa văn trong đời sống hiện đại.

“Bất kể bạn chọn dấn thân ở công tác cộng đồng hay lựa chọn công việc ổn định cho bản thân thì bạn đều phải đánh đổi. Với riêng bản thân tôi, ở tuổi 24, tôi lựa chọn Ethnicity và không hối tiếc về sự đánh đổi này. Bây giờ và sau này vẫn vậy”- Nguyễn Linh.

Tuy nhiên, khó khăn khi dự án triển khai nằm ở tất cả mọi mặt: Nghiên cứu hoa văn, cách số hóa hoa văn làm sao cho đúng quy chuẩn (không cách tân, không biến chất), làm sao cho những ngôn từ chạm đến các đối tượng qua truyền thông...

Linh chia sẻ, do không có nhiều tư liệu ghi chép về hoa văn thổ cẩm, nên Linh và đồng đội phải thực hiện nhiều chuyến đi thực tế đến những nơi còn lưu giữ nghề dệt truyền thống, để tìm hiểu về ý nghĩa và câu chuyện đằng sau các hoa văn. Sự khác biệt về ngôn ngữ cũng là một khó khăn trong hành trình đó. Việc chọn dân tộc K’Ho và Mạ thực sự là một thách thức bởi tư liệu không nhiều, mặt khác ngôn ngữ địa phương là rào cản lớn đòi hỏi các phương pháp tiếp cận phải linh hoạt…

Sau tất cả, khó khăn lớn nhất là nhân sự. Là một trong những người lên chiến lược và quản lý nhân sự của dự án, Linh cho biết đây là một bài toán đầy thử thách bởi tìm được một đội ngũ cùng chí hướng đã là khó, hơn thế lại phải chấp nhận làm “không công” bởi dự án phi lợi nhuận. Để duy trì cuộc sống, mỗi người đều phải làm công việc gì đó nên thời gian cho dự án là khác nhau. Nhiều khi muốn tổ chức một cuộc họp cũng đã khó chứ chưa nói đến tổ chức một hoạt động dài hơi nào đó. Vì thế, Ethnicity luôn lập kế hoạch trước 1 – 2 tháng, để các thành viên thoải mái lựa chọn deadline, sắp xếp công việc của mình. 

Đi qua những khoảng lặng, Linh khẳng định cá nhân Linh chưa bao giờ có ý định từ bỏ dự án, bởi về vật chất có thể rất thiếu thốn nhưng lại rất giàu tinh thần. Với Linh, giá trị của Ethnicity là giúp cho một nền văn hóa không mất đi, thúc đẩy thế hệ thanh niên dân tộc thiểu số có nhiều sự lựa chọn hơn trong tương lai thay vì phải làm rẫy, làm ruộng. 

Hơn thế Linh luôn nghĩ “Nếu mình bỏ rồi thì ai làm?”. Linh bảo, thật ra câu trả lời là sẽ có người khác làm, nhưng thời gian cho sự tồn tại của một nền văn hóa là giới hạn. Các bậc lão làng trong nền văn hóa thổ cẩm, những người nắm trong đầu mình biết bao sự tích, câu chuyện, ý nghĩa của hoa văn thổ cẩm, nhưng thời gian của họ còn bao lâu nữa
Linh cho biết, tương lai, Linh sẽ tiếp tục cùng đội ngũ chiến lược của Ethnicity xây dựng một “đặc trưng bền vững” – nghĩa là không phải thổ cẩm của dân tộc K’Ho, Mạ hay Chăm hay mà cho cả Việt Nam hình thành tên gọi thổ cẩm Việt Nam.

Theo KH&ĐS
back to top