78 tuổi bị thoát vị dạ dày vào khoang lồng ngực

(khoahocdoisong.vn) - Cấp cứu vì đau bụng và đau ngực dữ dội tưởng bệnh tim mạch không ngờ bệnh nhân lại bị thoát vị hoành dạ dày vào khoang lồng ngực. Bệnh dễ bị bỏ sót hoặc chẩn đoán nhầm với một số bệnh như viêm loét dạ dày, rối loạn tiêu hóa, đau thắt ngực…

Đau bụng, ngực dữ dội vì thoát vị hoành

Bệnh nhân H.T.P (78 tuổi, Hà Nội) vào cấp cứu tại Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 với biểu hiện đau bụng âm ỉ liên tục nhiều ở vùng thượng vị có lúc đau dữ dội và đau tức ngực nhiều ở bên trái. Chụp cắt lớp vi tính ngực – bụng và phát hiện thoát vị hoành thể hỗn hợp qua khe thực quản, tạng thoát vị là dạ dày.

Bệnh nhân đã được điều trị nội khoa làm giảm các triệu chứng và theo dõi sát đề phòng biến chứng cấp tính xảy ra có thể phải mổ cấp cứu vì chỉ có phương pháp phẫu thuật đưa tạng thoát vị về vị trí ban đầu, khâu tăng cường lỗ thoát vị mới có thể giải quyết triệt để nguyên nhân, tránh tái phát.

BS Nguyễn Ngọc Ấn, Khoa Chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 cho biết, cơ hoành là lớp cân cơ có hình vòm ngăn cách giữa các tạng trong ổ bụng và lồng ngực. Thoát vị hoành là tình trạng các cơ quan bình thường phải ở trong ổ bụng vì một lý do nào đó lại di chuyển lên khoang lồng ngực và gây ra những triệu chứng khó chịu.

 Nguyên nhân của thoát vị cơ hoành có thể gây ra bởi: Tổn thương cơ hoành do chấn thương; Thoát vị hoành bẩm sinh; Tăng áp lực ổ bụng đột ngột chẳng hạn như khi ho, hắt hơi, nôn, rặn khi táo bón, trong khi nâng vật nặng…

Thoát vị hoành là một bệnh thường xuyên xảy ra ở trẻ nhỏ. Nhưng bất kỳ ai ở mọi lứa tuổi đều có nguy cơ mắc thoát vị hoành. Tuy nhiên những người ở độ tuổi trên 50 và phụ nữ thừa cân dễ mắc bệnh hơn. 

Có thể người bệnh không có triệu chứng gì hoặc có triệu chứng khác nhau tùy mức độ ảnh hưởng tới cơ quan tiêu hóa hoặc hô hấp. Có thể ợ nóng, ợ hơi hoặc khó nuốt, có những cơn đau ngực, đau bụng dữ dội, buồn nôn, ói mửa, triệu chứng tắc ruột thấp hoặc cao, khó thở… chính bởi vậy nên bệnh rất có thể bị bỏ sót hoặc chẩn đoán nhầm với một số bệnh như viêm loét dạ dày, rối loạn tiêu hóa, đau thắt ngực…

Thay đổi thói quen sinh hoạt để kiểm soát bệnh

Theo BS Ẩn, cơ hoành được hình thành vào tuần thứ 8-10 của thời kỳ bào thai. Nếu quá trình hình thành cơ hoành không được hoàn thiện sẽ tạo thành khe hở cơ hoành khiến cho lồng ngực và ổ bụng không được ngăn cách hoàn toàn và các tạng trong ổ bụng như dạ dày, ruột, lách, gan có thể đi lên lồng ngực qua khe hở của cơ hoành gây ra bệnh thoát vị hoành.

 Có nhiều kiểu thoát vị hoành dạng dạ dày:

Loại A: Thoát vị trượt, là loại phổ biến nhất gặp ở cả ngưới lớn và trẻ em. Trong loại này, phần tâm vị được đẩy trên cơ hoành qua lỗ thực quản của cơ hoành, gây thoát vị đối xứng một phần trên của dạ dày.

Loại B: Thoát vị cuốn. Phần đáy vị của dạ dày bị cuốn lên trên chỗ nối thực quản – dạ dày, khuyết tâm vị vẫn nằm ở dưới cơ hoành. Thoát vị này thường là biến chứng của phẫu thuật củng cố cơ vòng thực quản dưới trong điều trị trào ngược dạ dày thực quản.

Loại C: Hỗn hợp là một thể kết hợp giữa thoát vị trượt và thoát vị cuốn. Cả khuyết tâm vị và phần đáy vị được đẩy trên cơ hoành, với đáy vị di chuyển thậm chí còn cao hơn so với khuyết tâm vị. Hay gặp  ở những bệnh nhân lớn tuổi, ban đầu có thể xuất hiện một thoát vị trượt sau đó phát triển thành loại hỗn hợp.

Loại D: Thoát vị phức tạp thường ít xảy ra. Đây là tình trạng thoát vị của các cơ quan khác lên lồng ngực, chẳng hạn như: Đại tràng, ruột non, và mạc nối …và túi thoát vị bên trên cơ hoành.

Mục tiêu của việc điều trị thoát vị hoành là kiểm soát các triệu chứng và ngăn ngừa những biến chứng. Nâng đầu giường từ 10-15 cm (với đồ kê cứng) có thể ngăn dịch vị trào ngược và đến thực quản trong lúc ngủ.

Có thể điều trị bằng thuốc để cải thiện triệu chứng và chỉ có phương pháp phẫu thuật đưa tạng thoát vị về vị trí ban đầu, khâu tăng cường lỗ thoát vị mới có thể giải quyết triệt để nguyên nhân, tránh tái phát.

Ngoài ra, người bị thoát vị cần tuân thủ một số điều trong thói quen sinh hoạt để có thể kiểm soát được thoát vị hoành như: Giảm cân nếu đang thừa cân; Ăn chậm: Ăn 4-5 bữa nhỏ thay vì ăn 1-2 bữa lớn; Tránh những thức ăn làm ợ chua như: Socola, thực phẩm cay, thức ăn làm từ khoai tây, hành, trái cây họ cam, quýt...

Các chuyên gia cảnh báo, thoát vị hoành ở người lớn rất dễ xác định nếu triệu chứng nặng nề và ngược lại, sẽ khó khăn nếu bệnh sử khó thở mơ hồ. Do đó, cần phát hiện sớm để can thiệp kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm.

Theo Đời sống
back to top