Bài 1: Ngải diệp 30g hoặc hoa tiêu 20 - 30g, sắc kỹ lấy nước pha cho đủ ấm, ngâm chân trong 15 - 30 phút, ngâm đến khi trán ra một chút mồ hôi là tốt nhất. Kiên trì ngâm trong thời gian dài có tác dụng giúp ngủ ngon, cải thiện lưu lượng tuần hoàn chi dưới và nâng cao khả năng miễn dịch. Người có vết thương hở ở chân thận trọng khi dùng.
Bài 2: Đỗ trọng 30 - 45g, tục đoạn 30 - 45g, đương quy 15 - 20g, chích hoàng kỳ 30 - 45g, hoắc hương 15 - 30g, sinh khương 15 - 20g, tất cả cho vào nồi sắc với 2.000ml nước trong 45 phút, lấy nước pha cho ấm rồi ngâm chân, mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 30 phút
Bài 3: Ngải điếu hoặc ngài nhung đốt xông phòng mỗi ngày 1 lần.
Bài 4: Thương truật độc vị 30g hoặc cả bài gồm bản lam căn 10g, thạch xương bồ 10g, quán chúng 10g, kim ngân hoa 15g, sắc lấy nước cho vào máy phun sương đã được rửa sạch để xông.
Bài 5: Thương truật, ngải diệp, bội lan, thạch xương bồ, kinh giới, tử tô, tân di, hoắc hương, bạch chỉ, dùng 2 - 3 loại là được. Lấy liều lượng phù hợp nghiền vụn hoặc nghiền bột, cho vào túi hương, có thể mang theo bên mình, treo trong phòng hoặc đặt cạnh gối ngủ, 5 ngày thay một lần.
Bài 6: Hoắc hương 20g, thương truật 20g, xương bồ 15g, thảo quả 10g, bạch chỉ 12g, ngải diệp 10g, tô diệp 15g, quán chúng 20g, sắc nước xông hơi trong phòng hoặc nghiền bột chế thành túi hương. Công dụng: táo thấp hóa trọc, phương hương tẩy uế.
Bài 7: Đẳng sâm, bạch truật và bạch giới tử lượng vừa đủ, sấy khô, nghiền thành bột, cho thêm ít nước gừng hoặc mật ong luyện thành keo hồ, phết lên giấy bản, dán vào các huyệt gồm thiên đột (ở ngay phần lõm trên, sát với xương ức), phong môn (ở dưới mỏm gai của đốt sống lưng 2, đo ngang ra 1,5 tấc), đại chùy (ở ngay dưới chỗ lồi lớn tại phần ụ xương của đốt sống cổ thứ 7), phế du (ở dưới gai đốt sống xương thứ 3, thuộc hai bên sống xương, đo ngang ra phía ngoài 1.5 tấc). Mỗi ngày dán 1 lần, mỗi lần lưu trong 2 giờ, chú ý phản ứng da của người bệnh.
ThS.BS Hoàng Khánh Toàn (nguyên Chủ nhiệm Khoa Đông y, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108)