Ngồi quá nhiều
Lối sống ít vận động có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của xương, làm giảm mật độ và sức mạnh của xương. Thời gian ngồi kéo dài, chẳng hạn như làm công việc văn phòng hoặc dành thời gian ngồi trước màn hình quá nhiều, có thể làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề liên quan đến xương, cùng với các vấn đề sức khỏe khác.
Do đó, trong suốt cả ngày làm việc, thỉnh thoảng hãy đứng dậy để vận động nhanh. Các hoạt động đơn giản như đứng, duỗi người hoặc đi bộ vài phút mỗi giờ có thể giúp cải thiện lưu thông máu và giảm tác động tiêu cực của việc ngồi lâu.
Bẻ tay, vặn lưng, cổ quá mức
Việc bẻ khớp ngón tay, vặn lưng, vặn cổ… là việc làm khá phổ biến của nhiều người. Tuy nhiên, đây là hành động khiến các khớp hoạt động nhanh đột ngột và quá tầm vận động, dẫn đến việc phá hủy các cấu trúc sụn khớp và dây chằng xung quanh khớp. Đây chính là nguyên nhân khiến các khớp ngày càng to lên, đồng thời cũng có thể gây ra những tổn thương như: bong gân, giãn dây chằng, trật khớp, làm sụn khớp nhanh bào mòn và đẩy nhanh quá trình lão hóa.
Ảnh minh họa |
Nếu không bỏ thói quen này, khớp sẽ bị thoái hóa, biến dạng khớp , to khớp ở vùng các ngón tay hay rách dây chằng, thoát vị đĩa đệm cột sống cổ, cột sống thắt lưng, thoát vị nhân đĩa đệm gây chèn ép rễ thần kinh...
Ngồi xổm, ngồi vắt chéo chân
Khớp gối gồm khớp chè đùi và khớp đùi chày, chịu toàn bộ trọng lượng của cơ thể. Khi gối co, áp lực do cơ ở phần đùi và gân bánh chè sẽ ép xương bánh chè trượt trên xương đùi. Lúc đi bộ, lực này tác động bằng khoảng 1/2 trọng lượng cơ thể, khi leo cầu thang lực này gấp 3-4 lần trọng lượng cơ thể và khi ngồi xổm, lực này gấp 7-8 lần trọng lượng cơ thể.
Do vậy thói quen ngồi xổm tạo áp lực rất lớn phá hủy sụn xương bánh chè và sụn xương đùi gây thoái hóa khớp chè đùi. Tập luyện cơ tứ đầu đùi và tránh thói quen ngồi xổm, hạn chế tối đa lên xuống cầu thang hay khiêng vác lên cầu thang sẽ giúp bảo vệ khớp chè đùi.
Lười vận động
Theo một số nghiên cứu khoa học nhận thấy Việt Nam là một trong 10 nước có tỷ lệ người lười vận động nhất trên thế giới. Thói quen lười vận động sẽ dẫn đến hàng loạt các bệnh nguy hiểm như: tim mạch , đái tháo đường, béo phì, đặc biệt là các bệnh về xương khớp như: viêm khớp, thoái hóa khớp, đau vai gáy, đau cột sống…
Thay vì ngồi một chỗ, mỗi ngày bạn chỉ cần dành khoảng 30 phút thực hiện những bài tập thể dục đơn giản, không chỉ rất hữu ích cho hệ xương khớp mà còn tăng cường sức khỏe như: Bơi lội, đạp xe, đá bóng, cầu lông, võ thuật, tập thái cực quyền, khí công dưỡng sinh, Yoga …
Giảm cân quá nhanh
Một nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ cho thấy tác dụng phụ của việc giảm béo đột ngột, kém an toàn chính là hạn chế quá trình hấp thụ canxi ở xương và đẩy nhanh quá trình lão hóa.
Vì khi giảm cân quá nhanh khiến sự liên kết của lớp mỡ và bắp thịt trở nên lỏng lẻo. Đó là lý do vì sao mà trong một số trường hợp xảy ra sự cố như: ngã, trượt chân, thậm chí là gãy xương. Điều này cũng lý giải vì sao những người sau khi giảm cân lại yếu và dễ mắc bệnh loãng xương.
Tiêu thụ quá nhiều đồ uống có ga
Một số nghiên cứu cho thấy hàm lượng axit photphoric cao trong soda có thể làm tăng bài tiết canxi ra khỏi cơ thể, có khả năng làm suy yếu xương theo thời gian và dẫn đến gãy xương.
Để hỗ trợ sức khỏe xương, hãy cân nhắc việc giảm tiêu thụ đồ uống có ga nhiều đường. Thay vào đó, hãy chọn các loại đồ uống lành mạnh hơn như nước lọc, trà thảo dược hoặc sữa hạt, nước cam. Những lựa chọn này cung cấp nước và các chất dinh dưỡng thiết yếu như canxi và vitamin D, những chất rất quan trọng cho sức mạnh của xương và sức khỏe tổng thể.