46.000 đến 63.000 năm trước con người ăn gì?

Nhóm các nhà nghiên cứu bao gồm Thomas Tūtken thuộc Đại học Johannes Gutenberg và Élise Dufour thuộc Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia Paris đã phân tích mức độ đồng vị ổn định của kẽm trong răng người và động vật hiện đại đầu tiên, từ hang động Tam Pà Ling và Nam Lot, hai địa điểm khảo cổ ở Bắc Lào.
nguoi-co.jpg

Các nhà khoa học đã áp dụng một phương pháp mới để điều tra chế độ ăn uống của người hóa thạch: Phân tích đồng vị kẽm ổn định từ men răng. Phương pháp này tỏ ra đặc biệt hữu ích để tìm hiểu xem con người và động vật thời tiền sử chủ yếu ăn thịt hay thực vật.

Các giả định truyền thống thường coi rừng mưa nhiệt đới là rào cản đối với người Homo sapiens - Người tinh khôn - sơ khai. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy con người đã thích nghi và sống trong môi trường rừng mưa nhiệt đới của Đông Nam Á.

Một số nhà nghiên cứu cũng cho rằng, trong quá khứ, những loài người khác như Homo erectus-trực nhân và Homo floresiensis-người Hobbit đã tuyệt chủng vì không thể thích nghi với môi trường này như loài người chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta biết rất ít về sự thích nghi sinh thái của loài người hóa thạch, bao gồm cả những gì họ đã ăn.

Phân tích đồng vị nitơ có thể giúp các nhà khoa học tìm hiểu xem con người trong quá khứ có ăn động vật hay thực vật không. Tuy nhiên, collagen trong xương và răng cần thiết để thực hiện những phân tích này không dễ bảo tồn. Ở những vùng nhiệt đới như Tam Pà Ling, vấn đề này còn nghiêm trọng hơn.

Hóa thạch người được nghiên cứu lần này có niên đại từ kỷ Pleistocen muộn, chính xác hơn là từ 46.000 đến 63.000 năm trước. Cùng với đó, các loài động vật có vú khác nhau từ cả hai địa điểm cũng được phân tích. Tất cả những loài động vật khác nhau này đều thể hiện những hành vi ăn uống khác nhau, tạo nên một nền tảng lý tưởng để xác định chính xác những gì con người đã ăn vào thời điểm đó.

Phân tích đồng vị carbon trong răng cho thấy thức ăn đến từ môi trường rừng nhiệt đới, một chế độ ăn tạp gồm cả thực vật và động vật. Trong khi trước đây người ta cho rằng con người hiện đại của kỷ Pleistocen muộn đã thích nghi với môi trường mở như thảo nguyên.

Các nhà nghiên cứu dự định so sánh hàm lượng đồng vị kẽm trong hài cốt người hiện đại này với hàm lượng của các loài người khác sống ở Đông Nam Á, bao gồm Homo erectus và Homo floresiensis. Dữ liệu có thể cung cấp manh mối về lý do tại sao những loài này tuyệt chủng trong khi con người hiện đại vẫn sống sót.

Theo mpg.de
back to top