Bệnh nhi thoát khỏi “lưỡi hái thần chết” một cách thần kỳ này là bé gái Lý Phương Th. (8 tuổi, ngụ tại quận Tân Phú, TP.HCM). Bé gái này được các bác sĩ Bệnh viện quận ân Phú chẩn đoán viêm cơ tim tối cấp và đã lập tức được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM).
Lúc này, các bác sĩ ở đây xác định bệnh nhân bị hôn mê, trụy tim mạch, rối loạn nhịp tim nên ngay lập tức đặt nội khí quản giúp thở, dùng thuốc trợ tim và đặt máy tạo nhịp tim tạm thời nhưng tình trạng bệnh nhi vẫn xấu dần, ngưng tim, ngưng thở. Các bác sĩ bắt đầu lo lắng cho mạng sống của bé, vì sự sống của bé chỉ tính bằng phút.
Trong tình thế bệnh nhân “nghìn cân treo sợi tóc”, PGS.TS.BS Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM đã quyết định liên lạc với các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM và tiến hành cấp cứu ngưng tim, ngưng thở, nhồi tim và đồng thời thực hiện kỹ thuật ECMO (kỹ thuật trao đổi oxy qua màng với tuần hoàn ngoài cơ thể).
“Sau 7 ngày hồi sức tích cực với kỹ thuật ECMO, thở máy, lọc máu liên tục, bệnh nhi đã tỉnh lại, tình trạng huyết động cải thiện. Sau đó, bé được tiến hành cai ECMO, cai máy thở. Đến sáng nay (26.7), sức khỏe của bé đã ổn và đang được theo dõi tích cực tại khoa hồi sức”, PGS.TS.BS Phạm Văn Quang cho biết.
GS.BS Bạch Văn Cam, cố vấn chuyên môn Bệnh viện Nhi đồng 1 - Chủ tịch Hội Cấp cứu chống độc TPHCM cho biết chỉ trong vòng chưa đến 30 phút kể từ khi cấp cứu, các bác sĩ đã nhanh chóng xử lý bệnh để cứu sống bệnh nhi. Sự phối hợp này là một trong những yếu tố giúp hồi sinh bệnh nhi này. Trong vòng 24 giờ liên tục, sau khi tiến hành lọc máu với kỹ thuật ECMO cho bệnh nhi, các bác sĩ vẫn chưa khẳng định có thể cứu được bệnh nhi. Nhưng sau đó, bệnh nhi có những dấu hiệu hồi sinh và cử động tay chân.
PGS.TS.BS Phạm Văn Quang cho rằng, đây là một ca bệnh được cứu sống thần kỳ, bởi bệnh nhân mắc viêm cơ tim tối cấp đều khó có cơ hội sống sót. Đối với bệnh nhân viêm cơ tim tối cấp có tới 90% bệnh nhân không thể qua khỏi. Nhưng nhờ kỹ thuật ECMO, bệnh nhân đã được hồi sinh.
"Đây là ca bệnh hy hữu, đòi hỏi kinh nghiệm xử lý lâm sàng của các bệnh viện tuyến cơ sở. Sự phối hợp kịp thời, hiệu quả giữa Bệnh viện Chợ RẫM TPHCM, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM và bệnh viện tuyến quận đã kịp thời cứu sống bệnh nhân trong thời gian vàng cấp cứu”, PGS.TS.BS Phạm Văn Quang chia sẻ.