Ảnh minh hoạ |
Tại sao nguy cơ bị ngã xảy ra cao hơn ở người cao tuổi?
Việc càng lớn tuổi chúng ta càng dễ ngã hơn bắt nguồn từ sự kết hợp của nhiều nguyên nhân khác nhau như: Khả năng giữ thăng bằng kém, sự suy yếu của hệ thống cơ - xương - khớp, gặp khó khăn trong việc đi lại, hạ huyết áp.
Thị lực suy giảm do đục thuỷ tinh thể, thoái hoá điểm vàng hay suy giảm tầm nhìn gây ảnh hưởng nhiều tới khả năng quan sát của người cao tuổi.
Bên cạnh đó, cơ thể thiếu hụt vitamin D, tăng huyết áp, tác dụng phụ của một số thuốc chống trầm cảm, thuốc ngủ, thuốc điều trị sa sút trí tuệ cũng khiến nguy cơ bị ngã tăng cao. Bởi vì những loại thuốc này có thể làm giảm khả năng nhận thức, thay đổi tâm trạng, choáng váng, đau đầu, chóng mặt và mất cân bằng.
Các yếu tố ngoại sinh từ môi trường sống như sàn nhà nhiều chướng ngại vật, nhà tắm không có tay nắm, không gian sống không đủ ánh sáng, cầu thang không có thanh vịn,... cũng khiến người cao tuổi dễ bị té ngã.
Nhiều hậu quả nghiêm trọng…
Theo các chuyên gia, hậu quả té ngã ở người cao tuổi thường rất nghiêm trọng, gây ra những chấn thương lớn cho da và xương. Té ngã có thể dẫn tới những chấn thương như gãy cổ xương đùi, tụ máu ngoài da, thậm chí là tụ máu não.
Người cao tuổi bị ngã có thể mất đi sự tự tin kèm theo hạn chế vận động do tinh thần lo sợ, từ đó các hoạt động thường ngày sẽ giảm dần.
Một số trường hợp người cao tuổi bị ngã có cảm giác bất lực, cô đơn, hay hội chứng căng thẳng sau chấn thương, thậm chí là mê sảng.
Ảnh minh hoạ |
Té ngã ở người cao tuổi tiềm ẩn nhiều nguy cơ với sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống. Để hạn chế nguy cơ té ngã, bản thân người cao tuổi cũng như người thân trong gia đình cần chú ý các biện pháp giúp hạn chế nguy cơ té ngã như:
Xây dựng không gian sống an toàn
Trước hết người thân trong gia đình nên sắp xếp đồ đạc gọn gàng, sử dụng thảm trải nền có độ bám tốt, bố trí phòng có đầy đủ ánh sáng và hệ thống thanh vịn, tay nắm vững chắc.
Tăng cường tập thể dục thể thao
Việc tập thể dục thường xuyên giúp người cao tuổi nâng cao khả năng cân bằng cơ thể, tăng cường sự dẻo dai và nuôi dưỡng hệ thống cơ - xương - khớp ổn định.
Hơn nữa, việc tập thể dục cũng giúp cho người cao tuổi có trí óc minh mẫn và tinh thần thoải mái. Tuy nhiên tùy theo thể trạng và sức khỏe, người cao tuổi cần lựa chọn hình thức vận động phù hợp.
Chế độ dinh dưỡng lành mạnh
Một chế độ dinh dưỡng lành mạnh cung cấp đầy đủ các thành phần dinh dưỡng thiết yếu như đạm, đường, vitamin và khoáng chất giúp hạn chế tình trạng yếu cơ, loãng xương và các bệnh lý ở người cao tuổi.