Theo Sở Y tế TPHCM, qua tính toán sơ bộ, hiện lực lượng y tế cần thiết của TPHCM bao gồm hơn 9.100 bác sĩ, và trên 19.600 điều dưỡng. Đối tượng này đã có nhiều kinh nghiệm trong đợt dịch lần thứ 4 vừa qua, có thể đáp ứng kịp thời khi số ca bệnh tăng nhanh.
Với sự ra đời của đội đặc nhiệm kiểm dịch phòng, chống dịch COVID-19, BSCKII Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc HCDC cho biết đây là một mô hình mới, kế thừa và nâng cấp từ một số tổ chức chống dịch trước đây.
Đội đặc nhiệm được giao bám sát thông tin, tình hình dịch bệnh và quá trình kiểm soát dịch của TP Thủ Đức và 22 quận, huyện. Từ đó hỗ trợ, phân tích tình hình phòng, chống dịch, đề xuất những phương án để các địa phương điều chỉnh kịp thời.
Hiện ngành y tế của thành phố đang điều trị cho 12.935 bệnh nhân, trong đó có 636 trẻ em dưới 16 tuổi, 302 bệnh nhân nặng đang thở máy, 9 bệnh nhân can thiệp ECMO.
Trong ngày 17/11, có 1.447 bệnh nhân nhập viện, 1.076 bệnh nhân xuất viện, 42 trường hợp tử vong. Ngày 18/11, TPHCM ghi nhận thêm 1.609 ca nhiễm mới.
Tại Quyết định 3900/QĐ-UBND, TPHCM đã tạo điều kiện rất tốt cho người dân và doanh nghiệp được hoạt động. Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình diễn biến phức tạp, tiềm ẩn trong những ngày qua, UBND TPHCM đã quyết định tạm dừng đối với karaoke, vũ trường, massage, spa…
Theo ông Phạm Đức Hải, Phó Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 TPHCM, những ngày gần đây, số ca nhập viện cao hơn số ca xuất viện. Đồng thời, số ca tử vong vẫn chưa giảm và thậm chí có tăng. Những con số này còn đáng lo ngại.
“Thực tế, nhiều người thực hiện chưa nghiêm 5K, ra đường vẫn không đeo khẩu trang, tụ tập, giữ khoảng cách không đúng, việc khử trùng cũng ít đơn vị thực hiện tốt. Do vậy, những điều này khiến TPHCM lo lắng và đưa ra các giải pháp phù hợp,” ông Hải cho biết.