Xuất hiện biến thể phụ XBB ở Hà Nội, nhiều ca COVID-19 chuyển nặng

Kết quả giải trình tự gene mẫu bệnh phẩm virus SARS-CoV-2, đến nay, phát hiện 2 mẫu bệnh phẩm dương tính COVID-19 lấy tại quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) là thuộc chủng XBB.1.9.1, với đặc điểm lan truyền nhanh.

Số ca nhiễm COVID-19 tăng dần

Thông tin về phòng chống dịch bệnh tại Hà Nội cho biết, chỉ riêng từ ngày 12-16/4, trung bình mỗi ngày Hà Nội ghi nhận 96 ca Covid-19 mới, cao điểm ngày 16/4 có 99 ca mắc. Trong khi đó 3 tháng đầu năm, số ca nhiễm mới mỗi ngày chỉ từ 2-5 ca.

Trong 7 ngày từ 05/4/2023 đến 11/4/2023 cả nước đã ghi nhận 639 ca mắc mới, trung bình 90 ca mắc mới mỗi ngày, qua phân tích 639 ca mắc mới đã ghi nhận 193 ca (chiếm 30,2%) nhóm từ 50 tuổi trở lên, số ca nhập viện có xu hướng gia tăng và đã có 10 ca nặng. Riêng 3 ngày qua (14, 15, 16/4/2023) đã ghi nhận 2272 ca mắc mới, trung bình mỗi ngày có 757 ca mắc.

Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, tuần đầu tháng 4 có 47 ca Covid-19 vào viện, tuần 2 tăng lên 85 ca và đến hết ngày 17/4 có 146 ca đang điều trị, trong đó 21 ca có dấu hiệu chuyển nặng. Hầu hết bệnh nhân trên 70 tuổi; đa phần có bệnh nền kèm theo như tiểu đường, huyết áp, lao, HIV, COPD, viêm gan, xơ gan…

Nhiều ca COVID-19 có dấu hiệu chuyển nặng

Nhiều ca COVID-19 có dấu hiệu chuyển nặng

Hà Nội gửi 10 mẫu bệnh phẩm Covid-19 tại 6 quận, huyện, thị xã tới Bệnh viện Bạch Mai thực hiện giải trình tự gene tìm biến thể mới virus SARS-CoV-2. Kết quả giải trình tự gene mẫu bệnh phẩm virus SARS-CoV-2, đến nay, phát hiện 2 mẫu bệnh phẩm dương tính COVID-19 lấy tại quận Nam Từ Liêm là thuộc chủng XBB.1.9.1, với đặc điểm lan truyền nhanh. Đây là chủng có ở nhiều nước như Anh, Đức, Mỹ, Pháp, Singapore, Philippines.

GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, đến nay, qua kết quả giám sát giải trình tự gen cho thấy, các biến thể phụ phổ biến trên thế giới đều đã ghi nhận tại Việt Nam.

Theo báo cáo của Tổ chức y tế thế giới (WHO), biến thể Omicron đang lưu hành chủ yếu trên thế giới với một số biến thể phụ như BA.2.75, CH.1.1, BQ.1, XBB, XBB.1.16, XBB.1.9.1, XBB.1.5, XBF. Trong đó biến thể phụ XBB.1.5 đã phát hiện tại 95 quốc gia.

"Đến thời điểm này, biến thể Omicron đã xuất hiện được 16 tháng với hơn 500 biến thể phụ khác nhau. Biến thể này hiện đang lưu hành hầu hết các nơi trên thế giới và đang chiếm ưu thế" – GS.TS Lân khẳng định.

Theo GS.TS Phan Trọng Lân, trong thời gian tới số ca mắc sẽ gia tăng. Theo dự báo của các nhà khoa học và Tổ chức Y tế thế giới, virus SARS-CoV-2 vẫn tồn tại. Để điều này không ảnh hưởng đến cuộc sống, cần tập trung bảo vệ tối đa đối tượng nguy cơ cao, lực lượng y tế tuyến đầu...

Mục tiêu giai đoạn tới là giảm nhập viện, trở nặng, tử vong, tránh quá tải hệ thống y tế, giữ vững thành quả phòng chống dịch, do đó một trong những nhiệm vụ hiện nay là tập trung bảo vệ đối tượng nguy cơ cao (người cao tuổi, có bệnh nền, suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai), tiêm phòng đủ liều, đúng lịch theo các khuyến cáo của Bộ Y tế. Các địa phương cần rà soát lại tất cả các đối tượng này.

“Hiện Việt Nam chưa thay đổi khuyến cáo về tiêm vaccine COVID-19. Vaccine COVID-19 hiện nay dù còn hạn chế trong hiệu quả phòng lây nhiễm biến chủng Omicron, nhưng vẫn phòng được ca nặng và nhập viện, tử vong một cách hiệu quả” – GS.TS Lân khẳng định.

Tăng cường thu dung điều trị ca COVID-19

Để chủ động công tác điều trị ca bệnh COVID-19, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn vừa ký công văn tăng cường công tác thu dung, điều trị ca bệnh COVID-19.

Theo đó, để chủ động ứng phó với tình hình dịch bệnh, bảo đảm thực hiện tốt việc thu dung, cấp cứu, chăm sóc, điều trị hiệu quả cho người bệnh COVID-19 nhằm phát hiện sớm tình trạng chuyển nặng, xử trí kịp thời, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong, Bộ Y tế yêu cầu Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc các Bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ, Thủ trưởng Y tế các Bộ, ngành rà soát, đánh giá và khẩn trương triển khai thực hiện:

Rà soát và cập nhật kế hoạch thu dung, điều trị người bệnh COVID-19 của tỉnh, của đơn vị theo nguyên tắc 4 tại chỗ; phân công số giường bệnh điều trị bệnh nhân COVID-19 cụ thể tới từng đơn vị; bố trí nhân lực để theo dõi, chăm sóc, điều trị người bệnh COVID-19 khi có chỉ định nhập viện; dự trù thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế phù hợp với các phương án thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 khi dịch bệnh có thể xẩy ra diễn biến phức tạp.

Chủ động nâng cao năng lực điều trị đặc biệt chú trọng nâng cao năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh:

- Phối hợp với bộ phận điều phối ô xy y tế của tỉnh, thành phố để bảo đảm cung ứng ô xy y tế cho nhu cầu điều trị người bệnh COVID-19 tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

- Triển khai tập huấn nhắc lại hướng dẫn chẩn đoán, điều trị COVID-19 cho nhân viên y tế.

- Tăng cường hội chẩn tại bệnh viện, hội chẩn với tuyến trên để xin ý kiến về chuyên môn, hạn chế tối đa việc chuyển người bệnh lên tuyến trên. Đối với các ca bệnh vượt quá khả năng chuyên môn, khi chuyển viện phải hội chẩn, liên hệ với bệnh viện tuyến trên trước khi chuyển và bảo đảm an toàn đối với người bệnh chuyển viện.

Tại các cơ sở điều trị tăng cường các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng lây nhiễm hạn chế tối đa lây lan dịch bệnh trong bệnh viện, đặc biệt tăng cường bảo vệ người bệnh thuộc nhóm có nguy cơ cao (như phụ nữ có thai, người mắc bệnh nền, người cao tuổi,…), khu hồi sức tích cực, tim mạch, thận nhân tạo, phẫu thuật…. Đồng thời tăng cường công tác vệ sinh ngoại cảnh, vệ sinh bệnh phòng, bố trí sắp xếp khoa phòng thuận tiện, phù hợp tình hình dịch và bảo đảm môi trường xanh, sạch đẹp.

Đối với các ca bệnh nặng, ca bệnh nghi ngờ COVID-19 nằm tại các Bệnh viện, khi kết quả xét nghiệm kháng nguyên nhanh âm tính nhưng vẫn nghi ngờ COVID-19 khuyến cáo thực hiện xét nghiệm PCR để chẩn đoán mắc COVID-19 tránh bỏ sót ca bệnh để dịch bệnh lan rộng. Các Bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến cuối điều trị COVID-19 cần theo dõi, đánh giá lâm sàng các ca bệnh COVID-19 nặng nhập viện hiện nay và gửi xét nghiệm giải trình tự gen để đánh giá mức độ nặng, nguy kịch báo cáo Bộ Y tế để xem xét điều chỉnh các hướng dẫn chuyên môn.

Để giảm bớt sự lây nhiễm, người dân tiếp tục thực hiện 2K (Khẩu trang-Khử khuẩn) + Vaccine.

Việc đeo khẩu trang trong các cơ sở khám chữa bệnh; Trên các phương tiện công cộng...

Với những người có nguy cơ cao dễ chuyển biến nặng và có nguy cơ tử vong khi mắc COVID-19 (như: người cao tuổi, người có bệnh nền, người bị suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai) khi đến nơi đông người, môi trường ít thông thoáng thì nên đeo khẩu trang; đồng thời phải tiêm chủng vaccine đúng lịch, đủ liều theo khuyến cáo của Bộ Y tế". GS.TS Lân khuyên

Theo Đời sống
Lợi ích bất ngờ của hạt đu đủ

Lợi ích bất ngờ của hạt đu đủ

Các lợi ích từ quả, hoa đực của cây đu đủ được rất nhiều người biết đến, thế nhưng ít ai biết hạt của loại quả này cũng mang lại nhiều lợi ích sức khỏe nếu tiêu thụ đúng cách.
back to top