Đợt 1: Chưa ghi nhận trường hợp huyết khối và đông máu
Theo báo tin của Bộ Y tế, sau khi 811.000 liều văcxin được phân bổ đợt 2 tới các thành phố và ban ngành, nhiều địa phương đã phê duyệt kế hoạch tổng thể triển khai tiêm văcxin phòng Covid-19 cho các đối tượng được ưu tiên và bắt đầu triển khai tiêm văcxin này vào tuần tới.
Các bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch đã thực hiện tiêm đợt 1. |
Báo cáo của hệ thống giám sát tiêm chủng cho thấy, sau một tháng triển khai tiêm chủng văcxin phòng Covid-19, tất cả các trường hợp tiêm văcxin AstraZeneca đều an toàn do Việt Nam áp dụng quy trình tiêm chủng an toàn. Hệ thống giám sát tiêm chủng đã ghi nhận khoảng 33% các trường hợp phản ứng nhẹ thông thường như đau, đỏ tại chỗ tiêm, mệt mỏi, sốt nhẹ, đau đầu, buồn nôn; các dấu hiệu này tự khỏi trong 1 - 2 ngày sau tiêm và người được tiêm không cần điều trị gì.
Hệ thống giám sát cũng ghi nhận có khoảng 1‰ (một phần nghìn) trường hợp có phản ứng quá mẫn sau tiêm, được xử trí đúng theo quy định, sức khỏe của những người này đều đã ổn định, trở lại đi làm sau 1 - 2 ngày theo dõi, điều trị tại cơ sở y tế. Đặc biệt, đến nay Việt Nam chưa ghi nhận bất cứ trường hợp nào bị đông máu và huyết khối xảy ra sau khi tiêm chủng.
Trước thông tin châu Âu ghi nhận một số trường hợp sau khi tiêm văcxin phòng Covid-19 của AstraZeneca có liên quan đến tình trạng đông máu, huyết khối... gây hoang mang, Chương trình Tiêm chủng Mở rộng Quốc gia khuyến cáo người dân cần bình tĩnh, tích cực và chủ động thực hiện các khuyến cáo của các chuyên gia y tế, các cơ quan chuyên môn về tiêm văcxin phòng Covid-19. Ý thức và hành động của mỗi người sẽ chung tay, góp sức đưa Việt Nam sớm đạt được mục tiêu tiêm chủng, tạo miễn dịch cộng đồng để ngăn ngừa lây nhiễm virus SARS-CoV-2.
Biện pháp để đảm bảo an toàn
Trước những lo ngại của người dân về các phản ứng phụ đặc biệt tác dụng phụ sau mũi tiêm thứ hai có thể nhiều hơn tác dụng phụ ở mũi thứ nhất, TS Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng miền Bắc, Phó Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư cho biết, tất cả các loại văcxin đều có thể gây ra những phản ứng nhẹ sau tiêm như sưng đau tại vị trí tiêm hoặc cảm giác chóng mặt, mệt mỏi, sốt nhẹ, buồn ngủ… Đó là những phản ứng rất thông thường của cơ thể bởi vì đấy là bản chất của quá trình kích thích miễn dịch. Quá trình này sẽ giúp sinh ra kháng thể đặc hiệu phòng chống bệnh tật. Gặp phải tình trạng này hãy thực hiện: Áp khăn sạch, mát và ẩm lên khu vực đó; Sử dụng hoặc tập thể dục cho cánh tay. Để giảm cảm giác khó chịu do sốt: Uống thật nhiều nước; Mặc trang phục nhẹ nhàng...
Lãnh đạo Bộ Y tế kiểm tra công tác tư vấn, sàng lọc trước khi tiêm. |
Cũng theo TS Phạm Quang Thái, do cơ địa nên một số người có thể gặp các triệu chứng nặng như sốt cao, phản ứng phản vệ, song tỷ lệ này rất thấp. Phản vệ có thể xuất hiện sớm trong vòng vài giây, vài phút nhưng cũng có khi sau vài giờ, thậm chí muộn hơn kể từ khi cơ thể tiếp xúc với dị nguyên. Người ta chia phản vệ thành 4 mức độ:
Mức độ I: Người tiêm xuất hiện các biểu hiện như dị ứng thông thường trên da và niêm mạc như nổi mày đay, ngứa, phù mạch.
Mức độ II: Ngoài các biểu hiện nổi mày đay, phù mạch thì còn xuất hiện các triệu chứng khác như khó thở, thở nhanh nông, tức ngực, khàn tiếng, chảy nước mũi; đau bụng, nôn, tiêu chảy; huyết áp có thể tăng, nhịp tim nhanh hoặc loạn nhịp.
Mức độ III: Biểu hiện ở nhiều cơ quan với mức độ nặng hơn gồm khó thở, đau bụng, nôn, tiêu chảy, đại tiểu tiện không tự chủ, rối loạn ý thức, tụt huyết áp.
Mức độ IV: Với biểu hiện ngừng hô hấp, ngừng tuần hoàn.
Theo TS Phạm Quang Thái, khi xuất hiện phản ứng phản vệ, dù với triệu chứng nhẹ, song nếu không có biện pháp xử lý can thiệp thì sẽ diễn tiến sang mức độ nặng hơn.
Để đảm bảo an toàn sau tiêm, TS Phạm Quang Thái khuyến cáo, người dân cần phối hợp với nhân viên y tế đảm bảo sàng lọc kỹ trước tiêm, sau tiêm phải ở lại theo dõi tại chỗ 30 phút và theo dõi tại nhà trong 1 - 2 ngày (48h tiếp theo) có người thân bên cạnh. Trong thời gian theo dõi tại cơ sở y tế sau tiêm, nếu phát hiện người được tiêm có biểu hiện mệt mỏi hoặc có bất thường về tri giác thì nhân viên y tế cần nghĩ ngay đến khả năng xảy ra phản ứng phụ sau tiêm và cần xử lý sớm.
Trong quá trình sinh miễn dịch, văcxin sẽ tiêu thụ khá nhiều năng lượng của cơ thể. Vì vậy, việc đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ sau tiêm chủng hết sức quan trọng. Khi có biểu hiện sốt nhẹ, đau mỏi cơ, có thể dùng thuốc paracetamol để hạ sốt. Tuyệt đối không đắp lá hoặc bất cứ loại thuốc nào lên vết tiêm. Nếu thấy sốt kéo dài, có cảm giác rét run hay bất cứ vấn đề gì bất thường về sức khỏe cần thông báo ngay cho cơ sở y tế hoặc đội cấp cứu lưu động để được cấp cứu và xử trí kịp thời.