Xông hơi chữa cảm mạo đúng cách

giảm nhanh triệu chứng cảm mạo, ngoài uống thuốc, đánh gió, giác hơi… xông hơi là một phương pháp rất hiệu quả. Tuy nhiên, ít ai biết xông hơi đúng cách.

Nồi lá xông chữa cảm phải đủ cả 3 loại dược liệu.

Phải đủ 3 loại dược liệu

Thầy thuốc nhân dân, TS Nguyễn Hồng Siêm, Chủ tịch Hội Đông y Hà Nội cho biết, phương pháp xông hơi thảo dược trong Y học cổ truyền ngoài tác dụng gây ra mồ hôi để hạ sốt, thải các chất độc hại qua da.

Đồng thời tinh dầu của nước xông thấm qua lỗ chân lông giãn nở giúp giảm nhanh các triệu chứng của bệnh.

Vì vậy, nếu xông hơi đúng cách, bệnh nhanh thuyên giảm, nhưng nếu không đúng cách thì có thể nặng hơn.

Trước tiên, một nồi nước xông đạt chuẩn phải gồm đủ các thành phần có tác dụng thải độc, sát trùng và trị liệu.

Nồi lá xông phải có các loại lá có tác dụng hạ sốt (lá tre, lá duối, lá mây, lá cúc tần…); các loại lá có tinh dầu kháng khuẩn, sát trùng đường hô hấp (lá chanh, lá bưởi, vỏ bưởi, bạc hà, hương nhu…); một số loại dược liệu có tác dụng kháng sinh (hành, tỏi, kinh giới, gừng…).

Tuỳ theo điều kiện dược liệu mỗi nơi mà gia giảm sử dụng, không nhất thiết phải có đủ các loại lá theo bài thuốc. Tuy nhên, nhất thiết phải đủ 3 loại nhóm nói trên mới có tác dụng trị liệu.

Ví dụ chỉ với vài loại như: lá tre, lá bưởi (hoặc chanh), hương nhu, sả, ngải cứu, bạc hà, kinh giới là đủ tác dụng trị liệu của một nồi nước xông.

Nếu bị cảm cúm thì dùng lá cúc tần, lá tre, lá sả, lá chanh (bưởi) nấu nước xông. Nếu bị cảm lạnh mùa đông thì thêm gừng, tía tô, kinh giới, lá quế.

Bị cảm trong mùa hè thì tăng liều lượng lá tre nhiều hơn, thêm lá sen, hương nhu, hoắc hương…

TS Nguyễn Vân Anh, Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng thuốc dân tộc cũng cho biết, rất nhiều người nhầm tưởng đun nước xông là cứ cho tất các loại lá vào đun sôi lên là được.

Nhưng như vậy là chưa đúng cách và hiệu quả. Trước tiên, phải đổ nước 2/3 nồi, cho lá có tác dụng hạ sốt vào trước.

Lúc nước gần sôi thì cho lá có tác dụng kháng sinh vào đun tiếp. Cuối cùng là bỏ lá tinh dầu kháng khuẩn sát trùng hô hấp vào.

Tinh dầu rất dễ bay  hơi nên nếu cho tất cả các loại lá vào đun sôi cùng lúc sẽ làm giảm tác dụng điều trị. Khi đun phải canh lửa vừa phải, nắp nồi đậy kín. Khi nước sôi trở lại 2 – 3 phút thì bắc xuống và xông ngay.

Xông hơi đúng cách

TS Nguyễn Vân Anh hướng dẫn, khi thấy nồi nước xông chuẩn bị sôi, người bệnh thay một bộ quần áo mỏng. Phòng xông cần kín gió. Có thể dùng lều xông hơi rất tiện lợi.

Người bệnh ngồi tư thế thoải mái trên một chiếc ghế thấp, ngẩng cao đầu. Hai tay hai chân mở rộng sang hai bên để nồi nước xông ở giữa.

Đặt nồi nước xông trước mặt, trùm chăn mỏng hoặc tấm vải rộng, phủ kín cả người và nồi nước rồi từ từ mở hé vung cho hơi nước thoát ra.

Chú ý mở vung sao cho độ nóng vừa ở mức chịu đựng được, có thể né mặt sang một bên cho đỡ quá nóng. Dùng một đôi đũa đảo cho tinh dầu bốc lên.

Trong lúc xông hít thở mạnh và sâu để hương tinh dầu vào sâu trong phế nang. Thời gian xông hơi khoảng 15 – 20 phút, hoặc khi thấy mồ hôi ra xâm xấp thì dừng. Không nên xông quá 20 phút.

Trong khi xông, thấy chóng mặt, mệt thì dừng. Đậy vung nồi lại, lau sạch mồ hôi bằng khăn khô sạch, thay quần áo, xong mở chăn.

Sau khi xông có thể gạn lấy 1 chén nước trong của nồi nước xông (khoảng 50ml) cho người bệnh uống hoặc chuẩn bị ngay bát cháo nóng để thải độc (cháo loãng đậu xanh càng tốt).

Ngoài ra nên uống bù nước sau khi xông. Có thể uống một ly nước trà gừng ấm hoặc nước đỗ đen ấm. Không nên dùng các loại nước ướp lạnh hoặc nước đá liền sau khi xông.

TTND Nguyễn Hồng Siêm khuyến cáo, theo Đông y ra quá nhiều mồ hôi có thể làm tổn thương âm huyết và hao hụt cả dương khí.

Do đó việc xông hơi lâu hay mau, ra nhiều hay ít mồ hôi phải phù hợp với yêu cầu của từng người và từng chứng trạng. Người trẻ, người khoẻ, người mập mạp có thể cho ra nhiều mồ hôi.

Người yếu, người gầy, người cao tuổi, người dễ ra mồ hôi chỉ nên cho ra ít mồ hôi mỗi lần xông. Nếu cảm thấy mệt mỏi hoặc chóng mặt sau mỗi lần xông thì không nên tiếp tục xông.

Người già yếu suy nhược, người bệnh nặng, người bị sốt do siêu vi, phụ nữ có thai không nên xông hơi.

Hồng Linh

Theo Đời sống
12 tuổi đã ung thư tuyến giáp di căn hạch cổ

12 tuổi đã ung thư tuyến giáp di căn hạch cổ

Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) đã phẫu thuật thành công cho trẻ 12 tuổi mắc ung thư tuyến giáp di căn hạch cổ. Đây là trường hợp bệnh nhân ung thư tuyến giáp trẻ tuổi nhất từng được phẫu thuật điều trị tại bệnh viện.
back to top