Xem giờ thế nào mới đúng?

Khoa học thiên văn đã chứng minh quan điểm của Galile là đúng về “Trái Đất quay xung quanh Mặt Trời” cũng chứng tỏ việc xem giờ cổ truyền từ vạch bóng cổ xưa của người Việt là cách xem giờ đúng.

Gần như cả thế giới chọn giờ sai

Chọn ngày tốt, đa số các sách đã xuất bản đều dựa theo quyển Hiệp kỷ biện phương thư. Có sách lại sử dụng Lịch Trung Quốc, múi giờ khác với Việt Nam nên một số tháng thiếu, tháng đủ lệch với tháng âm lịch Việt Nam, dẫn đến ngày can chi và các tiêu chí khác không đúng.

Điều lạ lùng là gần như cả thế giới, trong đó có Việt Nam đã chọn giờ sai.

Theo quan điểm của Galile, Trái Đất quay xung quanh Mặt Trời, khi bóng chiếu Mặt Trời chiếu xuống một điểm của Trái Đất thì ở nơi đó là giữa trưa, cổ học phương Đông gọi là chính Ngọ. 63 tỉnh, thành phố, các quận, huyện, phường, xã, các quần đảo, hải đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam đã nhận bóng chiếu Mặt Trời vào các thời điểm khác nhau nên giờ chính Ngọ không giống nhau.

Ngày nay, thiên văn đã xác định Trái Đất quay quanh Mặt Trời theo hình elip: Khi Trái Đất đến gần Mặt Trời, chịu lực hấp dẫn mạnh, Trái Đất sẽ di chuyển nhanh. Khi Trái Đất ở xa, lực hấp dẫn của Mặt Trời yếu đi, Trái Đất sẽ di chuyển chậm lại.

Như vậy, Trái Đất di chuyển lúc nhanh, lúc chậm theo quỹ đạo quanh Mặt Trời, tạo ra thời gian khác nhau, từ đó đã hình thành nên giờ không giống nhau. Thiên văn gọi giờ đó là giờ thực. Giờ thực ở các kinh tuyến khác nhau trong cùng một nước sẽ không đồng nhất với nhau.

gio-tot.jpg

Cách xem giờ thực của người xưa

Người xưa, trong đó có người Việt đã xem giờ bằng cách cắm một cọc tiêu vào một điểm nhất định rồi quan sát bóng chiếu Mặt Trời qua đỉnh cọc tiêu theo hình vẽ dưới:

gio-tot-1.jpg

Cách xác định giờ cổ truyền của người xưa

Các vạch bóng có khoảng cách không đều nhau và độ dài thay đổi trong năm

A: cọc tiêu, ghi Mặt Trời đứng bóng (tròn bóng) ở kinh tuyến địa phương đã tạo ra giờ chính Ngọ, giữa trưa.

AB: giờ Tỵ. AC: giờ Thìn. AD: giờ Mùi. AE: giờ Thân.

Cọc tiêu cắm ở đâu, giờ cổ truyền được xác định ở đó. Giờ này, thiên văn gọi là giờ cổ truyền thực.

Loài người không thể xác định thời gian hàng ngày theo giờ thực (vì cùng một thời điểm, mỗi địa phương đều có giờ thực khác nhau), nên người ta đã giả tưởng, quỹ đạo của Trái Đất quanh Mặt Trời là hình tròn đều và sự di chuyển của Trái Đất không chịu ảnh hưởng của sức hút Mặt Trời. Hiện tượng đó đã hình thành nên các giờ có thời gian giống nhau (1 giờ bằng 60 phút). Thiên văn gọi giờ đó là giờ trung bình, đó chính là giờ đồng hồ. Một ngày đêm có 24 giờ trung bình giống nhau.

Các sách đã xuất bản ở Việt Nam và thế giới đều mắc sai lầm khi ghi giờ cổ truyền (trong đó có giờ Hoàng Đạo và Hắc Đạo) theo giờ đồng hồ.

Cách tự xem giờ thực trên la bàn điện thoại

Để biết giờ thực nơi địa phương bạn cư trú cần tiến hành các bước sau:

1.Xác định kinh độ (độ (o) và phút (’) của kinh tuyến):

La bàn cài trên điện thoại di động đo kinh độ của Tòa soạn Khoa học và Đời sống, số 70 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội thấy có dạng hình dưới:

gio-tot-2.png

Các địa phương có kinh tuyến lớn hơn kinh tuyến trung tâm của Việt Nam ở về phía Đông. Nhỏ hơn kinh tuyến 105º là các địa phương ở về phía Tây.

Kinh tuyến của tòa báo đã lớn hơn kinh tuyến quốc gia 105º51’ - 105º = 51’ (51 phút).

2. Trước hết cần biết độ chênh lệch về giờ:

Theo Thiên văn, Trái Đất tự quay và di chuyển theo quỹ đạo lớn hơn 360o một chút, quy tròn thành 360o, hết một ngày đêm 24 giờ đồng hồ.

Vậy 1 giờ đồng hồ (60 phút đồng hồ), Trái Đất đã di chuyển được: 360 độ : 24 giờ = 15 độ

15 độ kinh độ tương ứng với 60 phút đồng hồ.

Vậy 1 độ bằng 60 phút đồng hồ : 15 = 4 phút đồng hồ.

4 phút đồng hồ = 4 x 60 giây đồng hồ = 240 giây đồng hồ.

1’ kinh độ (đọc là phút kinh độ, 1 độ bằng 60’).

Vậy 1’ kinh độ bằng 240 giây đồng hồ: 60 = 4 giây.

Bạn đọc có thể không tính đầu giờ Sửu thực mà tính cả giờ Sửu thực vì toàn bộ giờ Sửu thực xấp xỉ bằng 00 giờ.

Ngày mồng 1 Tết Nguyên đán năm Nhâm Dần 2022, đầu giờ Sửu Thực bằng 00 giờ 46 phút 49 giây, rút gọn còn 00 giờ 47 phút. Vậy toàn bộ giờ Sửu Thực sẽ từ 00 giờ 47 phút đến 2 giờ 47 phút.

Đó là giờ thực ở kinh tuyến 105º. Cần đổi sang kinh tuyến của Tòa soạn Khoa học và Đời sống có kinh độ 105º51’, có nghĩa phải cộng thêm thời gian tương ứng với 51’, bằng 51’ x 4 giây = 204 giây = 3 phút 24 giây, rút gọn còn 3 phút.

Giờ thực của tòa báo ngày mồng 1 Tết năm Nhâm Dần: 00 giờ 47 phút + 3 phút = 00 giờ 50 phút, vẫn nằm trong giờ Sửu.

Các giờ cổ truyền thực của tòa báo ngày hôm đó lần lượt như sau:

gio-tot-2.jpg

Trong khi đó, giờ cổ truyền tính theo đồng hồ lại khác như sau:

gio-tot-3.jpg

3. Giờ Thực trong việc lập các lá số:

Ngày âm lịch Quý Mùi 29 tháng 2 năm Nhâm Dần 2022, đầu giờ Ngọ thực ở kinh tuyến trung tâm 105 dộ chỉ 10 giờ 55 phút (giờ Ngọ thực sẽ từ 10 giờ 55 phút đến hết 12 giờ 55 phút).

Giả thiết 3 đứa trẻ cùng giới tính nam sinh ra tại 3 nơi: Bệnh viện Phụ sản T.Ư Hà Nội, Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ TPHCM và Bệnh viện Sản Thị trấn Mường Tè, tỉnh Lai Châu, vào lúc giờ thực 11 giờ 01 phút tính theo kinh tuyến trung tâm 105 độ Đ.

gio-tot-5.jpg

Giờ cổ truyền thực mà 3 đứa trẻ ra đời sẽ là giờ nào?

- Kinh độ Bệnh viện Phụ sản T.Ư (Tràng Thi, Hà Nội): 105 độ 50’37”Đ. Quy tròn thành 105 độ 51’, phía Đông kinh tuyến trung tâm nên lớn hơn: 105 độ 51’ - 105 độ = 51’. 51’ tương ứng: 51 x 4 giây đồng hồ = 204 giây = 3 phút 24 giây. Quy tròn: 3 phút.

Giờ thực là 11 giờ 01 phút + 3 phút = 11 giờ 04 phút. Đứa trẻ đã ra đời vào giờ Ngọ cổ truyền thực.

- Kinh độ Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ, TPHCM: 106 độ 41’20” Đ. Quy tròn thành 106 độ 41’, lớn hơn kinh tuyến trung tâm: 106 độ 41’ - 105 độ = 1 độ 41’.

1 độ 41’ = 4 phút + (41’ x 4 giây) = 4 phút + 2 phút 44 giây = 6 phút 44 giây, quy tròn bằng 7 phút.

Giờ thực là: 11 giờ 01 phút + 7 phút = 11 giờ 08 phút. Đứa trẻ đã ra đời vẫn vào giờ Ngọ cổ truyền thực.

- Kinh độ Bệnh viện Sản Thị trấn Mường Tè, Lai Châu có kinh độ 102 độ 48’40”, quy tròn thành: 102 độ 49’, nhỏ hơn kinh tuyến trung tâm: 105 độ - 102 độ 49’ = 2 độ 11’.

2 độ 11’ = 8 phút 44 giây đồng hồ, quy tròn thành 9 phút đồng hồ.
Giờ thực là 11 giờ 01 phút - 9 phút = 10 giờ 52 phút. Đứa trẻ đã ra đời vào giờ Tỵ cổ truyền thực.

Từ ví dụ trên cho thấy cần xác định được giờ thực đúng, từ đó lập các lá số Tử vi hay Kinh Dịch chính xác hơn lấy giờ sinh theo giờ đồng hồ, tức giờ trung bình nên không chính xác, lá số lập sai, luận đoán sẽ không đúng.

Các nội dung khác của cổ học phương Đông liên quan đến giờ như giờ động thổ trong phong thủy, tính tử vi… nên chú ý chọn giờ cổ truyền thực.

Nguyễn Văn Chung (tác giả Quyển Chọn ngày giờ tốt theo Địa lý Việt Nam)

Theo Đời sống
back to top