Xây Nhà hát Opera Hà Nội trên hồ Tây: Chuyên gia nói gì?

Theo Đồ án quy hoạch khu vực trung tâm bán đảo Quảng An (quận Tây Hồ), sẽ có một nhà hát Opera với 1.822 chỗ (gấp 3 Nhà hát Lớn Hà Nội, xấp xỉ Esplanade Singapore). Công trình được thực hiện theo hình thức xã hội hóa, dưới sự kiểm soát chặt chẽ của TP Hà Nội.
nha-hat-1.jpg
Việc thi công nhà hát được tiến hành trên cơ sở không ảnh hưởng đến mặt nước Hồ Tây.

Kiến tạo “hòn đảo” âm nhạc

Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Lê Hoàng cho biết, trong quy hoạch Thủ đô, trục không gian Hồ Tây - Sông Hồng - Cổ Loa được xác định là không gian kết nối giữa đô thị quá khứ và đô thị hiện tại nằm trong vùng không gian cảnh quan lịch sử - văn hóa, sinh thái của Hồ Tây và sông Hồng với nhiều công trình di tích tôn giáo, tín ngưỡng.

nha-hat-2.jpg
Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Lê Hoàng.

Theo ông Nguyễn Lê Hoàng, đây là khu vực cần được bảo tồn và phát huy các giá trị về cảnh quan, văn hóa, lịch sử, nhằm xứng đáng vị thế trung tâm Thủ đô nghìn năm văn hiến.

Việc thi công nhà hát được tiến hành trên cơ sở không ảnh hưởng đến mặt nước Hồ Tây. Thi công trên cơ sở nạo vét lòng hồ, làm sạch hồ để đảm bảo hiệu ứng cho thiết kế mái vòm của nhà hát. Thiết kế của nhà hát được cân nhắc trên cơ sở đảm bảo gia tăng mỹ quan và không gian cảnh quan cho khu vực.

Theo đề án quy hoạch, nhà hát Opera Hà Nội có 1.822 chỗ (gấp 3 Nhà hát Lớn Hà Nội, xấp xỉ Esplanade Singapore). Không gian chính gồm: Sảnh chính, khán phòng opera 1.822 chỗ, văn phòng, phòng diễn tập và tập luyện, bảo tàng, sàn vọng cảnh… Công trình do Renzo Piano - kiến trúc sư người Italy thiết kế.

Việc xây dựng Nhà hát Opera Hà Nội được ví như kiến tạo một “hòn đảo âm nhạc” giữa khung cảnh Hồ Tây thơ mộng, hiện thực hóa khát vọng của Thủ đô về một công trình nhà hát xứng tầm, một biểu tượng mới của Thủ đô trong giai đoạn hiện đại.

Với kiến trúc độc đáo, công nghệ âm thanh và ánh sáng hiện đại, Nhà hát Opera Hà Nội được kỳ vọng sánh ngang với các nhà hát nổi tiếng thế giới như nhà hát Con Sò tại Sydney (Úc), nhà hát La Scala tại Milan (Ý) hay nhà hát Esplanade (Singapore)… Công trình sẽ góp phần nâng tầm Hà Nội thành điểm đến của những sự kiện văn hóa thế giới, nơi giới nghệ sĩ nổi tiếng thế giới đến biểu diễn nghệ thuật, giao lưu văn hóa.

nha-hat-4.jpg
Kiến trúc sư lừng danh thế giới Renzo Piano (nguồn ảnh: WSJ)

Được biết, ý tưởng về thiết kế quy hoạch cảnh quan xung quanh nhà hát cũng được Renzo Piano chủ trì thiết kế. Mái vòm ứng dụng hệ kết cấu vỏ mỏng tự chịu lực. Bề mặt được phủ lên lớp vật liệu tạo hiệu ứng học trai, thay đổi màu sắc phản chiếu môi trường bên ngoài.

Ý tưởng về mái vòm mỏng được Renzo Piano (sinh ngày 14/9/1937 tại Genova, Ý) nung nấu ý tưởng từ 40 năm trước song tại thời điểm đó, kỹ thuật xây dựng chưa phát triển để đáp ứng được thiết kế nên đành bỏ dở.

Kết cấu vỏ mái độc lập với công trình, tự chịu lực bằng kết cấu và bốn trụ cột. Độ dày vỏ mái thay đổi từ 200 mm đến 600 mm. Vật liệu đặc biệt tạo ra hiệu ứng như ngọc trai, phản chiếu cảnh sắc môi trường. Mặt trong của lớp vỏ chính được hoàn thiện bởi một lớp bổ sung không chịu lực. Ngoài chức năng chính là cách âm còn có vai trò như yếu tố kiến trúc.

Khán phòng Opera của nhà hát có thiết kế tương tự như nhà hát Stavros Niarchos tại Anthen (Hy Lạp), công trình do chính Renzo Piano từng thiết kế.

nha-hat-5.jpg
Khán phòng Opera của nhà hát có thiết kế tương tự như nhà hát Stavros Niarchos tại Anthen (Hy Lạp).

Biểu tượng văn hóa nghệ thuật Thủ đô

Đề án nhà hát Opera Hà Nội ngay khi vừa công bố đã thu hút sự quan tâm lớn của dư luận. PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng việc xây dựng nhà hát Opera Hà Nội là cần thiết.

“Hà Nội đang có rất nhiều kế hoạch trong công tác phát triển văn hóa, để thực sự trở thành một trung tâm văn hóa của cả nước, tiêu biểu cho văn hóa người Việt Nam. Để đạt được các mục tiêu, mong muốn, khát vọng đó thì Hà Nội cần phải làm rất nhiều việc, từ việc xây dựng nguồn nhân lực tương xứng với quy mô văn hóa của Thủ đô đến việc tổ chức các sự kiện, hoạt động tầm cỡ khu vực và quốc tế. Trong đó, rất cần có các thiết chế văn hóa để thực hiện các mục đích kể trên.

Chính vì thế, dự án Nhà hát ở khu vực quận Tây Hồ là một trong những giải pháp thực hiện các mục tiêu, mong muốn của Hà Nội. Đây là công trình cần thiết trong bối cảnh xã hội ngày hôm nay. Tất nhiên chúng ta cần tính toán đến những tác động cả về kinh tế, văn hóa, xã hội để dự án có thể phát huy tác dụng tốt nhất” - PGS.TS Bùi Hoài Sơn khẳng định.

nha-hat-3.jpg
Công trình cần thiết trong bối cảnh xã hội hiện nay.

Theo KTS Việt Nam Hồ Thiệu Trị (thành viên Hội Kiến trúc sư Pháp), mỗi công trình đều có tiếng nói riêng, đều có linh hồn, và đó là nơi gửi gắm tâm huyết, tài năng, sức sáng tạo của người kiến trúc sư, nhằm tạo nên dấu ấn không chỉ cho vùng đất, cho đất nước, mà có khi là cho cả thế giới sau này. Một công trình mới sẽ có những phê phán về nghệ thuật hay kiến trúc, nhưng tất cả chỉ là quan điểm cá nhân. Ví dụ, nhà hát Con Sò ban đầu chỉ là những nét vẽ đơn sơ, nhưng để thành hình thì đó là cả quá trình rất dài từ nghiên cứu kết cấu, ánh sáng... Công trình này ban đầu bị phê phán, nhưng sau đó trở thành biểu tượng, và mọi người lại nói "Ồ tôi đã hiểu cái quan điểm, ý đồ của kiến trúc sư rồi".

Một công trình khác mà cả thế giới đều biết đến là tháp Eiffel, trước đây được xây để dùng cho triển lãm quốc tế ở Paris, dự định xây xong sẽ phá bỏ. Trước khi xây, nhiều người nói đó là sự điên rồ, xây xong lại muốn bỏ đi, họ ví đây là "một kết cấu thép như con khủng long" giữa một thành phố toàn công trình đá. Nhưng ngày nay nó thu hút biết bao nhiêu du khách, hiệu quả kinh tế là vô cùng, trở thành hiện tượng của cả thành phố, của cả nước Pháp. Rõ ràng, những kiến trúc sư như ông Eiffel đã thể hiện tầm nhìn đi trước thời đại rất nhiều và đặc biệt họ giữ được sự kiên quyết để tạo nên các tác phẩm của mình. Nếu không có họ, sẽ chẳng có những công trình biểu tượng, và cũng không có sự phát triển.

Soi chiếu vào công trình nhà hát Opera Hà Nội, đây rõ ràng không phải là công trình gây khó khăn trong kinh tế, gây khó khăn cho sự phát triển mà là sự cộng thêm cho sự phát triển của thủ đô. Giá trị cộng thêm ở đây là văn hóa nghệ thuật, và sức hấp dẫn du lịch từ một tác phẩm đẹp. Tôi luôn đánh giá cao Renzo Piano, và thiết kế nhà hát Opera Hà Nội đã thể hiện tầm nhìn xa của ông. Tôi mong một ngày nào đó được tận mắt thấy công trình này trở thành một biểu tượng văn hóa cho thành phố Hà Nội.

nha-hat-7.jpg

UBND quận Tây Hồ đã phát khoảng 400 - 450 giấy mời tham dự buổi lấy ý kiến về đề án quy hoạch. Về cơ bản, tất cả các ý kiến đưa ra tại hội nghị đều bày tỏ sự đồng thuận với đồ án quy hoạch chi tiết đã được lập. Có một số ý kiến đóng góp rất tâm huyết đối với đồ án. Quận Tây Hồ sẽ tiếp thu tất cả các ý kiến giao lại đơn vị tư vấn hoàn chỉnh, bổ sung lại cho phù hợp với tình hình thực tế.

Theo Đời sống
Tại sao không đánh thuế vàng?

Tại sao không đánh thuế vàng?

Các chuyên gia cho rằng, cần thiết phải đánh thuế vàng. Nhiều người mua vàng đầu cơ, mua bán nhằm sinh lời, khi đã kinh doanh cần phải chịu một số sắc thái thuế cho hoạt động đầu tư giống bất động sản, chứng khoán.
back to top