Toàn cảnh buổi làm việc
Đây là điều mà ngành VHTTDL đang hướng đến và cũng được thảo luận sôi nổi tạo buổi làm việc giữa Bộ KH&CN với Bộ VHTTDL về tình hình triển khai Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 4/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 diễn ra chiều ngày 25/10/2017.
Dự thảo “Định hướng và danh mục các sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh của ngành văn hóa, thể thao và du lịch giai đoạn 2017 – 2020” đã được soạn thảo. Với bản dự thảo này, ngành VHTTDL sẽ chú trọng đến lĩnh vực du lịch thông minh để tạo sản phẩm lợi thế cạnh tranh trên nền tảng GIS, công nghệ thực tế ảo, lưu trữ, kết nối và khai thác dữ liệu lớn… Dự kiến năm 2018, danh mục này sẽ hoàn thiện và bắt tay sản xuất những sản phẩm chủ lực đầu tiên.
PGS.TS Lê Hồng Quang, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Văn hóa nghệ thuật cho biết, cần có cách tiếp cận đúng thì mới có hành động đúng. Ông Quang cho rằng, với cách hiểu trước đây, ngành VHTTDL chỉ là ngành phi sản xuất, không tạo ra của cải vật chất cho xã hội đã quá lạc hậu.
Với cách tiếp cận mới cũng như thực tế đã chứng minh, ngành VHTTDL của nhiều quốc gia đã tiến tới phát triển nền công nghiệp văn hóa mà Hàn Quốc là ví dụ điển hình. Có những lĩnh vực tưởng chừng như chỉ có giá trị tinh thần như di sản, tư liệu… nếu kết hợp với công nghệ số có thể là nguồn tài nguyên trong bối cảnh I 4.0.
Với ngành công nghiệp văn hóa cần 3 nền tảng chính là công nghệ, nội dung và tổ chức sản xuất. Tất cả những nền tảng này đều cần sự sáng tạo, đổi mới không ngừng, đặc biệt khâu tổ chức sản xuất sẽ bị tác động trực diện nhất. Với I 4.0, từ khâu sản xuất, phân phối, tiêu dùng đều theo cách mới.
TS Nguyễn Quang Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách KH&CN, Bộ KH&CN đề xuất, nên xây dựng bộ tiêu chí đánh giá với 2 loại: sản phẩm tạo ra giá trị kinh tế, thương mại, sản phẩm mang lại giá trị văn hóa, tinh thần. Cũng từ cách chia này, nên xắp xếp sản phẩm nào chỉ có Nhà nước đầu tư thực hiện được và sản phẩm có sự tham gia của doanh nghiệp.
Hà Bình