Xăng giảm, dầu tăng: Petrolimex kêu than lẽ gì?

Theo Petrolimex, sản lượng tiêu thụ xăng dầu tăng đột biến trong thời gian gần đây có thể tạo áp lực trong tạo nguồn cung, thậm chí dẫn đến đầu cơ tích trữ, khan hiếm xăng dầu.

Nguồn cung gặp khó

Cụ thể, ngày 2/9 vừa qua, những khó khăn và lo ngại về vấn đề nguồn cung ứng xăng dầu vừa được Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) nêu tại văn bản gửi Liên Bộ Công Thương, Tài chính và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Theo doanh nghiệp này, sản lượng tiêu thụ tăng đột biến đã tạo nên áp lực lớn trong việc tạo nguồn khi việc mua hàng không thể bù đắp ngay lập tức sự thiếu hụt.

Petrolimex dẫn chứng, thông thường bán lẻ trực tiếp của doanh nghiệp này khoảng 17.000 m3/ngày, tuy nhiên mấy ngày gần đây sản lượng tăng trên 21.000 m3/ngày và đỉnh điểm ngày 31.8 sản lượng bán lẻ trực tiếp là 27.000 m3 tăng 60% so với ngày thường.

Bên cạnh đó, nhu cầu nguồn hàng của các thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối của Petrolimex cũng không ngừng tăng cao.

Trước tình hình nêu trên, Petrolimex lo ngại nguy cơ thiếu nguồn hàng cục bộ ở một số nơi hoặc một số thương nhân nhượng quyền có thể xảy ra nếu việc kiểm soát tồn kho và công tác vận chuyển không được phối hợp chặt chẽ, đặc biệt đối với các địa bàn xa các kho xăng dầu đầu mối.

Thực tế, thị trường vừa qua đã ghi nhận tình trạng đứt gãy nguồn cung khi nhiều cửa hàng xăng dầu hết hàng, gây khó khăn cho người tiêu dùng. Chưa kể, tình trạng chiết khấu 0 đồng, lỗ kéo dài khiến nhiều cửa hàng, thương nhân kiệt quệ…

Trao đổi với phóng viên (PV), một chủ đại lý xăng dầu của Petrolimex tại quận Hà Đông, thành phố Hà Nội cho hay, hiện nay việc nhập xăng dầu vẫn rất khó khăn, thậm chí một số đại lý phải lên tận Quảng Ninh để đưa xăng về. Lượng hàng cũng chỉ vừa đủ để bán, tuy nhiên trừ đi chi phí vận chuyển, nhân viên và mức chiết khấu thấp thì vẫn lỗ.

Những lần tăng giảm giá xăng, dầu trong năm 2022. (Ảnh: VnExrress)

Những lần tăng giảm giá xăng, dầu trong năm 2022. (Ảnh: VnExrress)

Giá xăng dầu tăng, doanh nghiệp vẫn lỗ

Theo báo cáo tài chính quý II/2022 của Petrolimex, cho thấy các chỉ tiêu kết quả kinh doanh diễn biến khá bất ngờ trong bối cảnh giá xăng dầu trong và ngoài nước leo thang trong nửa đầu năm.

Cụ thể, doanh thu thuần trong quý II đạt 84.367 tỷ đồng, tăng 1,8 lần so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, giá vốn lại tăng mạnh gấp 1,9 lần lên 81.965 tỷ đồng, tương đương hơn 97% doanh thu thuần dẫn tới lợi nhuận gộp đạt được chỉ ở mức 2.403 tỷ đồng, bằng 56,8% kết quả của cùng kỳ năm 2021.

Doanh thu hoạt động tài chính tăng gấp 2,2 lần, đạt 416 tỷ đồng nhưng chi phí tài chính lại tăng tới 2,9 lần lên 512 tỷ đồng. Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp không thay đổi nhiều so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo đó, trong quý II vừa rồi, mặc dù giá bán trên thị trường tăng mạnh nhưng Petrolimex lại ghi nhận lỗ thuần hơn 295 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh (cùng kỳ có lãi 1.829 tỷ đồng).

Kết quả kinh doanh của Petrolimex nửa đầu năm 2022 giữa doanh thu (xanh lá) và lãi sau thuế (xanh dương)

Kết quả kinh doanh của Petrolimex nửa đầu năm 2022 giữa doanh thu (xanh lá) và lãi sau thuế (xanh dương)

Sau khi cộng thêm gần 17 tỷ đồng lợi nhuận khác, Petrolimex lỗ trước thuế 279 tỷ đồng và lỗ sau thuế 141 tỷ đồng, trong đó, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ âm 196 tỷ đồng (cùng kỳ đạt 1.498 tỷ đồng).

Lũy kế nửa đầu năm nay, tổng doanh thu thuần hợp nhất (của các đơn vị thành viên Petrolimex trên tất cả các lĩnh vực kinh doanh: xăng dầu, gas, dầu mỡ nhờn, vận tải xăng dầu, thiết kế, cơ khí) đạt 151.387 tỷ đồng, tăng 78% so với cùng kỳ.

Theo Petrolimex, doanh thu tăng chủ yếu do giá dầu thô thế giới (WTI) bình quân 6 tháng đầu năm nay là 101,7 USD/thùng, tăng 31% so với cùng kỳ năm 2021 (giá bình quân 6 tháng đầu năm 2021 là 77,2 USD/thùng).

Tổng lợi nhuận hợp nhất trước thuế là 293 tỷ đồng, chỉ đạt 10% kế hoạch và bằng 1/10 kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm 2021. Lãi sau thuế nửa đầu năm ở mức 302 tỷ đồng, giảm 87%.

Trong mức lãi trước thuế khiêm tốn của 6 tháng đầu năm nay, mảng xăng dầu lỗ nặng 595 tỷ đồng với việc sản lượng bán xăng dầu nội địa tăng 9% so với cùng kỳ 2021.

Xăng giảm, dầu tăng... biến động còn khó lường

Ở kỳ điều hành ngày 5/9, dầu diesel và dầu hoả tăng lên 25.180-25.440 đồng một lít, trong khi xăng 23.350-24.230 đồng. Như vậy, giá các mặt hàng dầu đã lần đầu vượt xăng.

Liên bộ Công Thương - Tài chính cho hay giá dầu diesel, dầu hoả trong nước có thể còn tăng cao hơn nhiều mức 1.400 đồng hôm 5/9 nếu không sử dụng các công cụ bình ổn.

Giá dầu diesel, dầu hoả tăng cao, trong khi giá cơ sở xăng, dầu mazut giảm nhẹ, nên nhà chức trách quyết định dừng trích lập Quỹ bình ổn với dầu diesel, dầu hoả, cùng đó chi Quỹ 100 - 300 đồng một lít với các mặt hàng này. Việc này nhằm hạn chế mức tăng cao của hai mặt hàng dầu.

Giá đang thấp, việc tiếp tục trích lập Quỹ bình ổn với xăng 451-493 đồng một lít, theo cơ quan quản lý, nhằm tiếp tục khôi phục để quỹ này có thêm dư địa điều hành khi thị trường còn tiềm ẩn bất ổn tới đây.

Liên Bộ Công Thương - Tài chính khẳng định, phương án điều hành giá xăng dầu nêu trên bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát và bình ổn thị trường, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Petrolimex thoát lỗ nhờ kinh doanh ngoài xăng dầu

Các hoạt động kinh doanh ngoài xăng dầu của Petrolimex đem về cho doanh nghiệp này 888 tỷ đồng, được cho là bù vào khoản lỗ từ xăng dầu.

Trong đó, lợi nhuận lĩnh vực hóa dầu, nhựa đường, hóa chất đạt 369 tỷ đồng; lợi nhuận lĩnh vực kinh doanh gas đạt 79 tỷ đồng; lợi nhuận lĩnh vực vận tải viễn dương, vận tải đường sông, vận tải đường bộ đạt 43 tỷ đồng; lợi nhuận lĩnh vực nhiên liệu hàng không đạt 91 tỷ đồng; lợi nhuận lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, ngân hàng đạt 138 tỷ đồng; lợi nhuận lĩnh vực kinh doanh kho đạt 112 tỷ đồng; lợi nhuận từ các lĩnh vực khác như xây lắp, cơ khí, thiết bị, hạ tầng, tin học, xuất nhập khẩu, dịch vụ… đạt 56 tỷ đồng.

Theo Đời sống
back to top