Nguyên nhân làm xe cháy nổ
Từ ngày 28/5 đến 2/6, công an đã khám xét khẩn cấp 6 địa điểm thuộc địa bàn TP.HCM, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng, bắt quả tang bốn nhóm người đang có hành vi sản xuất, buôn bán xăng giả. Những nhóm này do Trịnh Sướng (chủ tịch HĐTV kiêm Giám đốc Công ty TNHH Mỹ Hưng, ngụ tại thị trấn Mỹ Xuyên, huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng), Đinh Chí Dũng, Nguyễn Ngọc Quan và Nguyễn Thị Thu Hòa cầm đầu.
Kết quả điều tra ban đầu, những người này đã thừa nhận lợi dụng danh nghĩa doanh nghiệp, thương nhân kinh doanh xăng dầu để thực hiện hành vi pha trộn dung môi vào xăng kém chất lượng cộng thêm chất kích RON, chất tạo màu để tạo ra xăng E5 RON 92 và RON 95 giả với số lượng cực lớn. Theo Công an tỉnh Đắk Nông, từ 1/1/2017 đến nay, số tiền đường dây này mua dung môi là 3.000 tỉ đồng và trung bình mỗi tháng họ đưa ra thị trường tiêu thụ 6 triệu lít xăng giả.
KS Lê Văn Tạch, nguyên kỹ sư Công ty Toyota Việt Nam cho biết, xăng giả có thể làm ảnh hưởng tới hiệu suất, độ bền động cơ, hệ thống nhiên liệu. Tùy vào thành phần có trong xăng giả mà sẽ có những tác động khác nhau. Xăng giả được tạo nên từ nhiều hợp chất khác nhau chỉ để kích ổ Ron, những hợp chất này sẽ trực tiếp gây hại cho xe, làm giảm công suất, khiến xe vận hành chậm thậm chí là có nguy cơ gây cháy nổ. Ngoài ra, việc sử dụng xăng giả có khả năng bào mòn chi tiết cơ khí và ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống bơm xăng, các cảm biến, dẫn đến lỗi bơm nhiên liệu, lỗi động cơ, xe khó đề hoặc hay chết máy.
Xăng giả được pha theo nhiều cách
Theo KS Lê Văn Tạch, xăng giả có thể được pha theo nhiều cách. Chẳng hạn như pha thêm dầu hỏa hoặc các hỗn hợp chất tương tự. Khi pha thêm dầu hỏa vào xăng, nếu ít thì xe vẫn chạy được, nhưng không “bốc”, hiệu suất kém, khi cho nhiều dầu hỏa sẽ gây nguy hiểm như máy nóng, hiệu suất động cơ kém, chất thải khói đen nhiều, gây ô nhiễm môi trường và hơi dầu không cháy hết, rò rỉ ra ngoài cũng dễ gây ra hiện tượng cháy xe, khi gặp nguồn nhiệt hoặc tia lửa.
Một thủ đoạn khác làm xăng giả để tránh sự kiểm tra của các đoàn đi lấy mẫu khi đo chỉ số RON, đó là cho thêm vào xăng một số chất oxygenat, chẳng hạn MTBE để nâng chỉ số octan tăng lên. Nếu phân đoạn hydrocacbon trong xăng không theo tiêu chuẩn quy định thì chất oxygenat làm tăng sự tạo khói và phát ra hơi độc nhiều hơn. Việc này cũng ảnh hưởng đến sự phát tán hơi của nhiên liệu và hiệu suất chuyển động của xe.
Sử dụng lâu ngày, xăng giả sẽ làm động cơ nóng lên, khiến vỏ dây điện, vỏ nhựa xung quanh động cơ bị cứng, khi di chuyển sẽ bị đứt, gây hở điện, dẫn tới tình trạng cháy chập điện.
Theo KS Lê Văn Tạch, điều đáng nói là người tiêu dùng rất khó phát hiện xăng giả. Chỉ khi nào động cơ có vấn đề, hoặc trong quá trình bảo dưỡng xe, mới phát hiện các vấn đề mà xe gặp phải thì hậu quả đã xảy ra rồi. Vì vậy, những trường hợp xe còn mới, vừa bảo dưỡng… đã gặp những vấn đề trục trặc thì phải kiểm tra ngay, thợ sẽ bảo dưỡng, súc rửa, kiểm tra nguyên nhân ngay khi động cơ chưa bị phá hủy. Tới đây các cơ quan chức năng phải làm rõ nguyên nhân nhiều vụ cháy xe thời gian qua có liên quan gì đến số lượng xăng giả tiêu thụ trên thì trường thời gian qua.
Hà Bình